HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (VPB) vừa công bố thông báo lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về 2 phương án phát hành và niêm yết trái phiếu quốc tế.
Theo đó, VPBank muốn xin ý kiến về 2 phương án chào bán trái phiếu bằng đồng USD và tại thị trường nước ngoài. Chương trình Euro Medium Term Note có quy mô huy động tối đa 1 tỷ USD, trong khi Phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh (Green Bond) có khối lượng 120 triệu USD.
Euro Medium Term Note có mệnh giá mỗi trái phiếu là 1.000 USD và kỳ hạn từ từ 3 đến 5 năm, dự kiến phát hành năm 2019 và năm 2020 với lãi suất cố định, thả nổi hoặc kết hợp cả 2 hoặc lãi suất cấu trúc khác.
Trong khi đó, Green Bond là trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất thỏa thuận và được phát hành riêng lẻ cho 1 số nhà đầu tư.
Mục đích phát hành trái phiếu của VPBank của ông Ngô Chí Dũng được nêu rõ là nhằm tăng quy mô hoạt động, tăng quy mô nguồn vốn huy động, đa dạng hóa nguồn huy động vốn trung dài hạn để chủ động trong các kế hoạch chuẩn bị nguồn vốn phục vụ cho các hoạt động cho vay, nâng cao năng lực tài chính, đồng thời đáp ứng tốt các yêu cầu chỉ tiêu an toàn hoạt động theo quy định của pháp luật và các đối tác.
Gói trái phiếu Euro Medium Term Note 1 tỷ USD sẽ được phát hành ra thị trường quốc tế cho các nhà đầu tư ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ và sẽ được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore.
Gần đây nhiều nhiều ngân hàng và doanh nghiệp Việt đã thực hiện phát hành trái phiếu quốc tế cũng như bán vốn cổ phần nhằm huy động dòng tiền quốc tế để phục vụ hoạt động kinh doanh đang bùng nổ và cạnh tranh mạnh mẽ ở thị trường trong nước.
Vietcombank hồi đầu tháng 3 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận nâng vốn điều lệ thêm hơn 1,1 ngàn tỷ đồng lên hơn 37 ngàn tỷ đồng từ nguồn vốn mua cổ phần của 2 nhà đầu tư ngoại Mizuho của Nhật và GIC của Singapore.
Trong năm 2018, Techcombank của tỷ phú USD Hồ Hùng Anh đã ghi những dấu ấn tăng trưởng mạnh mẽ: bùng nổ về mặt quy mô và cả chất. Techcombank tăng vốn thần tốc và áp sát top 3 ông lớn Vietinbank, Vietcombank, BIDV.
Không chỉ mở rộng quy mô vốn điều lệ, Techcombank có những bước đi khá ấn tượng trong hoạt động huy động vốn để phục vụ cho hoạt động cho vay với nhóm đối tượng khách hàng tầm trung cao. Lượng tiền huy động của Techcombank tăng mạnh trong khoảng 4 năm gần đây nhờ hàng loạt những hàng loạt dịch vụ khá thiết thực đối với khách hàng như cú chơi lớn 0 đồng phí dịch vụ ngân hàng…
Ông Ngô Chí Dũng. |
Hồi tháng 4/2018, Techcombank đã bán hơn 164 triệu cổ phiếu cho NĐT nước ngoài, thu về 21.000 tỷ (hơn 920 triệu USD). Với số tiền lợi nhuận tích lũy và thặng dư lớn, ngay sau khi lên sàn, , Techcombank chốt danh sách cổ đông để chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 200% tăng vốn từ hơn 11,6 ngàn tỷ đồng lên gần 35 ngàn tỷ đồng, trở thành 1 trong 3 ngân hàng niêm yết có quy mô vốn điều lệ lớn nhất tại Việt Nam, chỉ thua Vietcombank một chút ít.
Nhiều ngân hàng cổ phần tư nhân gần đây dồn dập tăng vốn và tăng quy mô theo nhiều cách khác nhau như trường hợp VPBank của ông Ngô Chí Dũng và HDBank của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo.
Không chỉ có cuộc chạy đua về tăng quy mô mà còn có cuộc đua về chất lượng. Basel II được xem là một “chứng chỉ” thể hiện chất lượng quản trị rủi ro của các ngân hàng theo định hướng của NHNN. Các ngân hàng buộc phải vốn để đảm bảo hệ số CAR; nâng cao năng lực quản trị, tuân thủ kỷ luật thị trường, xây dựng hệ thống và thu thập dữ liệu…
Quy mô vốn lớn và nguồn vốn huy động dồi dào cho phép các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động cho vay trong bối cảnh NHNN hạ thấp tỷ lệ tăng trưởng tín dụng và siết quy định 30% vốn ngắn hạn cho vay dài hạn… nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định hệ thống tài chính quốc gia.
Trong một tín hiệu gần đây, Chính phủ đang bật đèn xanh để các NHTM có vốn nhà nước tăng vốn từ cổ tức. Cuộc đua giữa các ngân hàng sẽ tiếp tục dữ dội. Các ngân hàng tư nhân như Techcombank đang phát triển rất nhanh và thực sự là một thách thức đối với các ông lớn Nhà nước.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), giao dịch vẫn ảm đạm, buồn tẻ. Tâm lý thận trọng vẫn bao trùm trên toàn thị trường.
Mặc dù vậy, VN-Index đã thoát cảnh thủng ngưỡng hỗ trợ 950 điềm nhờ sự hồi phục của nhiều cổ phiếu dầu khí trong bối cảnh giá dầu thế giới quay đầu tăng mạnh trở lại. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu chủ chốt như Vinhomes (VHM), Vietcombank (VCB), Eximbank (EIB), VPBank (VPB), TPBank (TPB)… tăng điểm cũng góp phần giúp thị trường tránh được một thảm kịch.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) vẫn có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Theo Chứng khoán KIS, tâm lý thị trường trở nên thận trong khi rủi ro điều chỉnh vẫn còn nguyên. Trong trung hạn, do xu hướng đi ngang của VN-Index nên chiến lược phù hợp với nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại là chốt lời và cắt lỗ nhỏ.
MBS cho rằng, thị trường có khả năng tiếp tục rung lắc mạnh, tuy nhiên chừng nào đáy tháng 5 vẫn được giữ vững thì các nhịp rung lắc trong vùng 938 - 950 điểm vẫn là cơ hội để cơ cấu danh mục và mở vị thế mua mới.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/6, VN-Index giảm 4,09 điểm xuống 950,08 điểm; HNX-Index giảm 0,06% xuống 103,5 điểm và Upcom-Index giảm 0,15% xuống 54,97 điểm. Thanh khoản đạt 170 triệu đơn vị, trị giá 3,6 ngàn tỷ đồng.
V. Minh