Tổng CTCP XNK và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (VCG) vừa công bố thông tin về việc sẽ tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) trong tháng tới, với nhiều nội dung mà nhà đầu tư quan tâm sau khi ông lớn ngành xây dựng Việt Nam được bán cho tư nhân với 2 nhóm cổ đông chi phối là An Quý Hưng và nhóm Cường Vũ.

Cuộc chiến giữa 2 nhóm cổ đông về đường hướng phát triển các dự án cũng như quản lý và sử dụng tài sản tại Vinaconex kéo dài nhiều tháng qua đã gây ra hậu quả đáng tiếc và được dự báo khó thuận buồm xuôi giói nếu không có sự đồng thuận giữa 2 nhóm cổ đông chính này.

Thương hiệu Vinaconex cũng như tài sản của doanh nghiệp hàng đầu ngành xây dựng và bất động sản, quyền lợi các cổ đông cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Theo thông báo mới nhất, dự kiến ĐHCĐ diễn ra vào 28/6 tới sẽ đề cập tới những nội dung quan trọng như: phương án phân phối lợi nhuận sau thuế năm tài chính 2018; thù lao cho HĐQT, BKS và quan trọng hơn là việc thay đổi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của Tổng công ty cổ phần Vinaconex.

 

{keywords}
Ông Nguyễn Xuân Đông.

Trước đó, Vinaconex (VCG) đã phải tạm hoãn tổ chức cuộc họp ĐHCĐ thường niên năm 2019 (dự kiến tổ chức vào 23/4) do không có người triệu tập trong bối cảnh HĐQT bị tòa án buộc tạm dừng hoạt động.

Hồi cuối tháng 3, Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc Vinaconex dừng thực hiện Nghị quyết ĐHCĐ bất thường số 1/2019/NQ-ĐHĐCĐ ngày 11/1/2019, có nội dung chủ yếu liên quan đến việc bầu HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2022 sau khi thụ lý đơn yêu cầu của Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ, Công ty TNHH Đầu tư Star Invest, ông Nguyễn Quang Trung và ông Thân Thế Hà.

Biện pháp khẩn cấp tạm thời sau đó bị hủy bỏ do các cổ đông khởi kiện chưa đáp ứng các yêu cầu về điều kiện sở hữu cổ phần tại Vinaconex.

Cuộc chiến tại Vinaconex nổ ra sau khi 2 cổ đông Nhà nước là SCIC và Viettel thoái vốn. Hai nhóm cổ đông mua phần vốn Nhà nước tại VCG là An Quý Hưng (57,7%) và nhóm Cường Vũ (tổng gần 30%) mâu thuẫn về nhiều vấn đề trong đó có Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐQT và Quy chế quản lý tài chính được sửa đổi (ngay trong phiên họp HĐQT đầu tiên hôm 21/1). 

Cụ thể, quyền bổ nhiệm cán bộ đại diện vốn sẽ thuộc cá nhân Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc. Mặt khác, Chủ tịch HĐQT sẽ được quyền quyết định mọi giao dịch có giá trị lên tới cả ngàn tỷ đồng, Tổng Giám đốc quyết tới hàng trăm tỷ đồng mà không cần thông qua HĐQT.

Theo điều lệ mới, chủ tịch HĐQT có thẩm quyền phê duyệt phương án huy động vốn, cũng như có thẩm quyền quyết định dự án đầu tư vốn ra ngoài Tổng công ty, quyết dự án đầu tư, mua sắm tài sản cố định, thanh lý, nhượng bán tài sản... với giá trị lên tới 10% so với tổng giá trị tài sản ghi trên BCTC gần nhất. TGĐ được quyết tới 5%.

Theo BCTC 2018, tổng tài sản của Vinaconex là hơn 20 ngàn tỷ đồng. Điều đó có nghĩa là cá nhân chủ tịch có quyền quyết định các dự án đầu tư vốn ra ngoài hay giao dịch mua bán, với số tiền lên tới 2 ngàn tỷ đồng.

Nhóm An Quý Đông trước đó khá kín tiếng trên sàn chứng khoán Việt. Ông Nguyễn Xuân Đông (chủ Anh Quý Đông) bất ngờ xuất hiện và trở thành doanh nhân đình đám nhất 2018 với cú chi 7.400 tỷ đồng thâu tóm toàn bộ số cổ phần tỷ lệ gần 58% của SCIC tại Vinaconex.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index chấm dứt chuỗi tăng kéo dài cả tuần, nhưng thanh khoản tăng cao. Nhóm hạ tầng công nghiệp và dầu khí hạ nhiệt sau nhiều phiên tích cực sau phát ngôn dòng vốn sẽ vào Việt Nam của tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu blue-chips vẫn tăng như Sabeco, Bảo Việt, Bia Hà Nội, VietJet, BIDV...

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có cái nhìn thận trọng trong các dự báo. Theo Chứng khoán KIS, tâm lý thị trường trở nên thận trọng khi rủi ro điều chỉnh gia tăng. Do đó, nhà đầu tư nên chờ đợi thêm nhiều tín hiệu xác nhận xu hướng trước khi hành động.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/5, VN-Index giảm 0,84 điểm xuống 986,29 điểm; Hnx-Index giảm 0,03 điểm xuống 106,28 điểm và Upcom-Index tăng 0,08 điểm lên 55,39 điểm. Thanh khoản đạt 240 triệu đơn vị, trị giá 10 ngàn tỷ đồng

H. Tú