Đến hẹn lại lên, từ giữa tháng 11 âm lịch, những trang facebook của dân công sở lại tràn ngập hình ảnh các món đặc sản khiến chốn văn phòng đôi khi xôm tụ chẳng kém bất kì một phiên chợ Tết nào.
Không ngoa khi nói rằng chính họ đã thổi một luồng “hơi thở mùa xuân” vào không khí trầm lắng của những ngày đông giá rét những ngày cuối năm. Nhưng bên cạnh đó cũng là “những nỗi niềm riêng biết tỏ cùng ai”.
“Chợ Tết” họp ngay trong phòng làm việc
Vừa bước vào cửa phòng làm việc, Tuấn lại phải chun mũi vì đủ thứ mùi hỗn hợp. Từ cam Canh, bưởi Diễn của chị K đến mứt sen, mứt cà rốt của chị G và kinh khủng hơn cả là giò chả, chả cá, chả mực của chị N. Bản thân là một trong ba “đóa hoa lạ” của phòng ban, Tuấn không dám ý kiến và cũng biết mình không thể đấu khẩu được với 18 cái miệng còn lại của phòng. Cậu chàng chỉ biết lặng lẽ chui vào góc bàn của mình, pha một ly cà phê thơm cho át mùi chả, âm thầm đeo tai nghe để không nghe thấy những lời mặc cả và biến mình thành “mặt ngơ tai điếc” giữa "rừng" phụ nữ đang bàn tán. Từ giữa tháng 11 âm lịch, Tuấn đã quen với việc này sau những ngày choáng váng vì chợ Tết họp ngay trong phòng làm việc.
Tuấn chia sẻ “Ngày nào mấy chị cũng đem đủ thứ lên công ty, may mắn là đến giờ chưa xuất hiện gà vịt sống hay thịt heo, bò tươi. Còn thịt trâu gác bếp thì đã có chị trên miền núi nhận rồi, cuối tháng 12 mới chuyển xuống. Mình còn nghe họ bàn nhau mua một con lợn rừng về thuê người xẻ thịt rồi chia nhau. Ngày nào đến công ty cũng thấy cảnh buôn bán tấp nập. Người ở phòng ban khác cũng tranh thủ giờ nghỉ trưa sang xem hàng. Các chị ấy bán đủ thứ, kể cả tăm quế xỉa răng, lịch Tết, hạt dưa, mứt Tết cho tới hộp đựng quà, bánh kẹo nhập khẩu”.
Đặc sản miền núi luôn là món ưa thích của chị em công sở |
Tuấn kể, không phải chỉ năm nay, mà cuối năm nào văn phòng cậu cũng trở thành cái chợ. Đặc biệt là bước sang tháng 12 âm lịch thì cái chợ đó bỗng chốc lan ra cả hành lang và cầu thang. Không còn chỗ trống trong phòng nữa vì đã chật kín hàng hóa. Có chị om bưởi mấy tuần trời tại phòng họp vì chỉ cần có người đặt là thuê xe chuyển luôn. Các loại mứt Tết cũng la liệt, được đặt trong thùng các tông nằm riêng một góc. Năm đầu tiên Tuấn còn thích thú vì được các chị mời ăn thử. Nhưng ăn thử đến lần thứ 3 thì cậu cũng phải hiểu ý mà rút hầu bao mua liền một cân “ủng hộ chị em làm kinh tế giỏi”.
Chưa kể, mỗi khi có món gì mới, các chị đều rất nhiệt tình mời ba anh chàng trong văn phòng. Tuấn là thanh niên độc thân, sống trọ trong một căn chung cư mini, đến ngày nghỉ Tết là lên xe về quê, nào biết phải sắm sửa cái gì. Nhưng từ khi công ty có phong trào “dân công sở làm kinh tế”, năm nào cậu chàng cũng phải đèo theo hai thùng các tông về quê nói dối mẹ rằng quà công ty.
Mặc dù khó chịu vì sự “bành trướng” của các chị công sở, nhưng Tuấn vẫn phải thừa nhận, đồ các chị, em làm vừa sạch sẽ vừa ngon miệng.
Các loại củ quả sấy được rao bán trên một trang facebook |
Chả cá và các loại cá khô cũng là một trong những món lạ miệng trong dịp Tết |
Làm cả năm không bằng một "mẻ" buôn Tết
Chị Hương (Đống Đa), một dân công sở có 4 năm kinh nghiệm buôn hàng Tết, chia sẻ năm nào chị cũng bán thịt trâu, thịt bò, thịt lợn mán gác bếp và nông sản Tây Bắc như nấm hương, khoai sọ, miến dong. Vì hàng của chị đã được bạn bè, khách hàng gần xa biết tiếng nên năm nào cũng có đơn đặt hàng từ đầu tháng 11 âm lịch. Năm ngoái, chị lãi một khoản kha khá (chị Hương không cho biết con số cụ thể).
Chị cho biết “Hiện tại chị đang có 15 đơn hàng thịt trâu gác bếp sẽ được chuyển vào giữa tháng 12 âm, đơn hàng lớn nhất là 10kg vào Đà Nẵng, đơn hàng nhỏ nhất là 1kg, còn số lượng miến dong và khoai, nấm thì nhiều lắm”.
Như năm ngoái, chị Hương đã bán tổng cộng hơn 200 đơn hàng các loại trên toàn quốc. Chị chỉ ngồi nhận hàng trên facebook hoặc qua điện thoại, sau đó sẽ thông báo cho bố mẹ ở quê chuẩn bị hàng và vận chuyển xuống Hà Nội. Từ đây chị sẽ phân phối đi khắp nơi.
Đặc sản thịt trâu gác bếp được đăng với lời chia sẻ đầy đủ về cách chọn và làm thịt ngon, chuẩn |
Khi hỏi về lý do chuyển hẳn sang buôn cuối năm như vậy, chị Hương chia sẻ, chị làm việc cho một công ty chuyển phát nhanh. Tính cả lương trong lương ngoài chẳng đủ chi tiêu hàng ngày chứ đừng nói tới việc sắm Tết. Vì thế, từ 4 năm trước chị đã phải xoay cách "sinh tồn" trong thời kinh tế suy thoái, để có tiền chi tiêu ngày Tết cho gia đình và quan trọng hơn là tích lũy để sau lo cho con cái.
Chị Hương cũng bộc bạch từng có một thời gian chị ham làm kinh tế đến mức muốn nghỉ hẳn công việc ở công ty để chuyển sang nghề buôn bán. Nhưng sau khi ngẫm nghĩ kỹ, chị thừa nhận rằng có thể làm ăn được chộp giật trong tháng Tết nhưng chưa chắc đã có thể tính toán tốt khi chuyển hẳn nghề. Huống chi, chị cũng đang tận dụng các mối quan hệ công sở để làm công việc này.
Không “làm ăn lớn” như chị Hương, chị Mai (Cầu Giấy) lại xoay quanh món mứt dừa ngày Tết do chính tay chị làm. Chị tâm sự, mới đầu chị làm để nhà dùng và biếu ông bà. Có lần chị chụp ảnh đăng lên facebook, không ngờ bạn bè lại nhiệt tình like, share và kêu gọi chị làm để bán, họ đang có nhu cầu. Chị nói đùa rằng, ai mua thì đặt tiền trước để mua dừa. Không ngờ mọi người đặt liền đến cả chục ký. Vậy là chị đầu tư chảo lớn về làm và bán cho bạn bè, chị em trong văn phòng.
Dần người nọ đồn, người kia biết, số lượng đặt hàng tăng dần. Từ mứt dừa, chị học và làm thêm mứt cà rốt, mứt bí và mứt sen. Và giờ thì chị cũng thành dân buôn chuyên nghiệp với việc bước sang trung tuần tháng 11 âm là đăng hình hỏi ai có nhu cầu thì đặt hàng. Vì làm ăn “cò con” nên chị chỉ nhận ship hàng trong nội thành Hà Nội, việc ship hàng đều là em chồng chị đảm nhiệm.
Tuy nhiên chị Mai cũng từ chối tiết lộ cụ thể tổng lãi chị kiếm được trong 30 ngày Tết, chị chỉ cho biết, chắc chắn không dưới chục triệu, thoải mái cho chị chi tiêu mua sắm Tết và biếu bố mẹ hai bên.
Trịnh Dương (Từ Liêm) cũng từng đổ xô đi bán bưởi Diễn dịp Tết. Anh chàng cho biết, Tết năm 2013, vừa biết tin thưởng Tết có mỗi 500 ngàn đồng, không đủ tiền sửa lại cái xe. Vì thế, Dương học chị em cùng phòng đi buôn. Song năm đầu tiên do bỡ ngỡ, chưa có kinh nghiệm, anh chàng phải mang hơn 100 quả bưởi ế về ăn Tết. Không chịu từ bỏ, năm thứ hai, Dương tiếp tục sự nghiệp mua cả vườn bưởi nhà hàng xóm để bán. Do chịu khó quảng cáo và biết cách bảo quản làm bưởi đẹp mã, Dương bán hết ngay trong ngày 29 Tết. Năm nay Dương cho biết anh chàng đã mua lại một vườn bưởi và hai sào Phật thủ, chỉ chờ trên 5 đơn đặt hàng là vặt xuống rồi chuyển đi ngay.
Chia sẻ về lý do tại sao nhiều dân công sở lại trở thành "con buôn" như thế, nhìn chung người trong cuộc đã trả lời với những lý do giống nhau do thu nhập giảm, nguồn thu từ công sở không đủ để họ chi tiêu nên phải tìm cách "tăng gia". Mặt khác, dịp cuối năm, với việc không trông đợi gì từ tiền thưởng Tết nên "buộc" dân công sở phải "chạy hàng buôn Tết" kiếm thêm chi trả cho cái Tết đang tới gần.
Bên cạnh đó, quả thực dịp cuối năm là một cơ hội “kiếm thêm kha khá” cho những cô nàng, anh chàng công sở. Có lẽ cũng không ngoa khi không khí náo nhiệt của những ngày cận Tết cũng từ những “dân buôn” này mà ra.
Mặc dù đúng là dân công sở đi buôn cũng có nhiều tiện lợi, khi người mua biết rõ người bán, và cũng là một cách "tăng thu nhập" của chị em công sở. Nhưng công sở không phải là cái chợ. Không có ai lên tiếng nhắc nhở không có nghĩa là mọi thứ đều đang tốt đẹp. Sự hài hòa, tôn trọng công việc, công sở vẫn là cần thiết với chị em văn phòng khi tranh thủ làm thêm bằng những hình thức khác nhau.
(Theo Trí thức trẻ)