“Nháo nhào” gom hàng siêu thị, chợ
Đầu tháng 7/2021, ba chợ đầu mối là Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức dừng hoạt động; 40% chợ truyền thống trên địa bàn phải đóng cửa do không đảm bảo phòng, chống dịch. Thời điểm đó, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM - ông Bùi Tá Hoàng Vũ thừa nhận đang chịu sức nóng, áp lực từ thị trường cung ứng hàng hóa đầy gấp gáp đồng thời đưa ra thông điệp trấn an, tránh việc đổ xô đi mua sắm.
Nhưng thực tế, với nhu cầu ăn, uống của khoảng 10 triệu dân tại cùng một thời điểm, sức ép lên hệ thống phân phối là quá sức tưởng tượng. 0h ngày 9/7, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tại một loạt chợ, tình trạng “giá rau xanh tăng dựng đứng, giá trứng tăng gấp đôi” đã xuất hiện từ sớm ngày 8/7.
Hình ảnh một người dân TP.HCM đi chợ, mua gom rất nhiều đồ lúc cao điểm dịch (ảnh: Trần Chung) |
Người dân đổ xô đi mua sắm khi nghe "đồn" đóng cửa toàn TP (ảnh: Trần Chung) |
Người dân đổ đi mua tích trữ vài trăm trứng gia cầm, dù giá lên tới 55.000 đồng/chục trứng vịt. Trong khi đó, 3 củ cà rốt và 5 củ su hào có giá khoảng 120.000 đồng. Bà nội trợ vừa mua xong, mức giá đã thay đổi. Các mặt hàng đội giá từ 30% - 50% - 100%. Khung cảnh tại các chợ, siêu thị nháo nhào, mua nhanh - rút gấp.
Lệnh giãn cách khiến các tỉnh có hàng thì không về được, trong khi người dân TP.HCM phải mua thực phẩm giá cao. Chuỗi cung ứng giữa TP.HCM với các tỉnh/thành đã đứt gãy và trầm trọng hơn do quan điểm chống dịch “mỗi nơi một kiểu” và các địa phương còn mải tranh cãi “hàng thiết yếu” là hàng gì để được cấp giấy phép lưu thông. Thậm chí “bánh mỳ” còn được cho là không thiết yếu. Tình trạng cứng nhắc đã khiên từ chợ cho đến nhà chế biến thiếu từng cọng sả, cọng hành khiến không thể sản xuất được một gói mỳ tôm trọn vẹn.
Rau xanh Đà Lạt chuyển về TP.HCM nằm kho, chất như núi do đội ngũ vận chuyển quá tải. Một chủ trại gà ở Đồng Nai, cứ mỗi sáng nhặt xác cả trăm con gà chết đem thiêu vì gà đã quá lứa, ở kín chuồng, không thể xuất về TP.HCM tiêu thụ.
Hệ thống phân phối hiện đại thường xuyên hết hàng sớm do người dân mua nhiều, thậm chí cả mỳ tôm, miến khô, phở khô cũng “trắng kệ”. Siêu thị đã phải đưa ra quy định về khối lượng thực phẩm được mua hoặc nêu cụ thể mỗi người chỉ mua 1 vỉ trứng, nhường người đến sau.
Chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) - một trong những chợ lớn phải đóng cửa phòng dịch (ảnh: Trần Chung) |
Theo thống kê, có 3 lần, người dân TP.HCM đổ xô đi chợ, siêu thị:
Lần thứ nhất, trước thời điểm 0h ngày 9/7. Trong các ngày từ 6-8/7, TP.HCM là "điểm nóng” với các thông tin liên quan đến cung ứng hàng hóa.
Lần thứ hai, trước thời điểm 0h ngày 15/7. Lúc này, mạng xã hội và các trang thông tin không chính thống lan truyền thông tin sai lệch về việc “đóng cửa toàn TP.HCM”. Hậu quả tức thì, lượng người đổ ra các chợ truyền thống, siêu thị tăng đột biến vào ngày 14/7.
Lần thứ 3, trước thông tin TP.HCM sẽ siết chặt giãn cách trong 2 tuần kể từ 0h ngày 23/8. Bất chấp sự nguy hiểm và khả năng lây lan nhanh của biến chủng Delta, người dân một lần nữa đi chợ "đông như hội” từ trưa ngày 20/8.
Làm quen với việc xếp hàng đi chợ từ sớm mùa dịch (ảnh: Trần Chung) |
Khắp nơi phân phối rau củ và những cách đi chợ hiếm thấy
Việc dậy sớm xếp hàng mua lương thực thực phẩm trở thành thói quen mới của người dân TP.HCM. Dẫu vậy, hệ thống phân phối hiện đại vẫn thường xuyên quá tải.
10h sáng ngày 13/7, các DN họp online lần đầu tiên với lãnh đạo Sở Công Thương. Đây là khởi nguồn cho một chiến dịch khó tin, hỗ trợ hoạt động phân phối rau, củ, quả đang quá tải ở kênh siêu thị. Mức giá trần bán ra được yêu cầu giữ bình ổn. CEO của 18 đơn vị ủng hộ, cùng tham gia chiến dịch.
Sáng 17/7, người dân TP.HCM lạ lẫm khi thấy các hệ thống như Nhất Tín Logistics, Guardian, Con Cưng, Pharmacity, Vinshop,... bày bán rau, củ, quả trực tiếp tại cửa hàng rải khắp TP. Sau đó, các sàn TMĐT như Tiki, Lazada, Shopee cũng lên kệ online các mặt hàng này.
Bà Minh Giang, TGĐ Mekong Capital - người nắm vai trò điều phối, nhớ lại, chỉ khoảng một tuần sau khi phát động chiến dịch, giá cả đã hạ nhiệt. Hơn 1.000 điểm bán/ngày được tổ chức giữa cao điểm dịch. Người dân có nhiều lựa chọn mua sắm, cảm thấy an tâm.
Hệ thống bưu cục thì áp dụng bán hàng dạng combo đồng giá theo túi. Rau xanh sẽ đi kèm với củ trong combo. Việc phân chia thành các túi nhằm tránh việc người dân đến trước tập trung mua hết rau xanh, khiến người đến sau không còn.
Nhờ đó, đến 20/7, giá cả các mặt hàng giảm từ 10-30% tùy chủng loại. Đặc biệt, siêu thị không còn tình trạng “trống kệ” và cảnh người dân xếp hàng dài chờ đợi.
Một trong những người dân đầu tiên tại TP.HCM cầm phiếu đi chợ trên tay (ảnh: Trần Chung) |
Cuộc giải cứu hệ thống phân phối của các đơn vị không chuyên (ảnh: Trần Chung) |
Nhà thuốc cũng thành điểm bán rau củ quả (ảnh: Trần Chung) |
Bộ đội đi chợ giúp dân là hình ảnh đẹp tại TP.HCM trong mùa dịch (ảnh: Trần Chung) |
Tới khi TP.HCM bắt đầu siết chặt hơn giãn cách xã hội, các phường giúp dân đi chợ qua biểu mẫu Google Form, người dân ghi các mặt hàng cần mua và sẽ có tình nguyện viên, lực lượng bộ đội mua giúp, chuyển đến tận nhà.
Chỉ từ ngày 23/8-10/9, tổng số hộ đã đăng ký “đi chợ hộ” là: 1.693.834 hộ, chiếm 67,31% tổng số hộ dân sinh sống trên địa bàn. Tổng số hộ đã được cung ứng hàng hóa là 1.666.772 hộ; tỷ lệ giải quyết đơn hàng đạt 98,4% so với nhu cầu đăng ký.
Chưa từng có và không bao giờ quên
Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op - Lê Trường Sơn như muốn khóc khi kể lại những ngày khó khăn nằm ngoài dự kiến. Hệ thống phân phối này có trên 19.000 người, giai đoạn cao điểm có khoảng 1.600 cán bộ, công nhân viên của đơn vị bị nhiễm bệnh. Trong đó, 1.400 nhân viên tại TP.HCM nhiễm bệnh phải cách ly và đã có trường hợp tử vong được xác định nhiễm bệnh khi công tác.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA), khẳng định, chưa bao giờ cộng đồng các DN của ngành sản xuất, chế biến lương thực thực phẩm phải trải qua những ngày tháng như vừa qua. Không có tiền lệ, không có sự chuẩn bị trước nào. Hàng trăm, hàng nghìn khó khăn mà khi nhìn lại cũng không thể tưởng tượng. Có chủ DN lớn đã phải khóc khi trở tay không kịp với diễn biến của dịch bệnh.
Quy định "ngăn sông cấm chợ" mỗi nơi một kiểu góp phần khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy |
Đại diện Sở Công Thương TP.HCM thừa nhận những hạn chế từ sự thiếu nhất quán, đồng bộ giữa các ngành, địa phương trong điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các văn bản quy định, thông tin chỉ đạo chưa đồng bộ, thống nhất. Các quy trình, thủ tục mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch rườm rà, phức tạp, khó triển khai thực hiện. Những điều này ảnh hưởng lớn tới hoạt động của DN trong chuỗi cung ứng.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - bà Phan Thị Thắng cho rằng, cần tôn vinh những con người miệt mài làm việc mặc dù biết chắc hiệu quả kinh doanh vào thời điểm đó không cao. Nhiều DN chấp nhận hoạt động không đúng với ngành nghề, sở trường của mình để giúp TP duy trì chuỗi cung ứng.
“Các siêu thị gồng mình gấp 3-4 lần để đảm bảo cung ứng hàng hóa. Những xe bus được cải tiến thành siêu thị mini đến từng khu phố. Những anh bộ đội đi chợ hộ giúp dân. Những nhà thuốc, cửa hàng mỹ phẩm bán rau củ quả cho bà con. Đó là những hình ảnh, kỷ niệm mà thành phố sẽ khắc ghi mãi”, Phó Chủ tịch TP khẳng định.
Trần Chung
Chiến dịch khó tin, 4 ngày chặn cơn loạn giá rau quả ở Sài Gòn
Một chiến dịch được thiết lập trong vòng 4 ngày đã góp phần giải cứu hệ thống phân phối rau xanh tại TP.HCM, chấm dứt cơn loạn giá những ngày giãn cách xã hội.