Từ chợ phiên truyền thống

Chợ phiên vùng cao từ lâu đã trở thành một nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc tỉnh Hoà Bình. Chợ không chỉ là nơi để người dân bản địa bán các sản vật của địa phương, trao đổi hàng hóa thiết yếu.

nhất là các chợ phiên của người Tày, người Dao ở huyện Đà Bắc; người Mường các huyện: Tân Lạc, Lạc Sơn, Kim Bôi; người Thái, Mông ở huyện Mai Châu. 

W-anhchophien.png
Chợ phiên của người Mường tỉnh Hoà Bình

Vào ngày có phiên chợ, nhất là các chợ phiên của người Tày, người Dao ở huyện Đà Bắc; người Mường các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Kim Bôi hay người Thái, người Mông ở huyện Mai Châu,... bà con mang đến chợ những sản vật, sản phẩm độc đáo cùng nét văn hóa riêng có của dân tộc mình như: măng đắng, măng chua, hạt dổi, hạt mắc khén, lá đắng, lá lồm (một loại lá chua để nấu với thịt trâu, bò), da trâu làm nên hương vị món ăn vùng Tây Bắc; trang phục làm từ các sản phẩm dệt, hàng thủ công,... Thậm chí, hàng hóa có khi là 1 con gà, chục trứng, con lợn, hay đơn giản chỉ vài bó mía, mớ rau, vài chùm quả các loại của gia đình…

đến phiên chợ vùng cao

Những năm gần đây, tỉnh tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong đó xác định và tập trung vào một số sản phẩm chủ lực, có lợi thế phục vụ mục tiêu xuất khẩu và công nghiệp chế biến như: cây ăn quả có múi, chè, sắn, dong riềng... Đặc biệt, cây ăn quả có múi được xác định là nông sản chủ lực và là một trong số ít sản phẩm nông nghiệp của tỉnh có khả năng chi phối thị trường các tỉnh phía Bắc.

Hiện, diện tích trồng cây có múi toàn tỉnh đạt 9.687 ha, sản lượng năm 2022 dự kiến trên 166 nghìn tấn. Ngoài cây ăn quả có múi, tỉnh đang mở rộng một số loại cây ăn quả như nhãn, chuối với diện tích khoảng 1.000 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Lương Sơn, Cao Phong, Kim Bôi và TP. Hoà Bình. Đây cũng là khu vực tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.

Không chỉ chú trọng vào khâu tạo nguồn, Hoà Bình còn triển khai nhiều giải pháp nhằm tiêu thụ nông sản cho bà con nói chung và bà con vùng dân tộc thiểu số nói riêng, trong đó nổi bật là sự kiện Phiên chợ vùng cao.

Năm 2023, Phiên chợ vùng cao tỉnh Hòa Bình có chủ đề “Nơi hội tụ và lan tỏa”, với sự tham gia của các tỉnh bạn như Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Thanh Hóa, An Giang. Phiên chợ có khoảng 100 gian hàng, bao gồm: Khu gian hàng trưng bày và bán các sản phẩm OCOP, nông sản, thủ công mỹ nghệ; khu gian hàng ẩm thực; khu gian hàng giới thiệu nghề truyền thống, văn hóa dân tộc của các địa phương trong tỉnh Hòa Bình.

Tại phiên chợ, những sản phẩm độc đáo của các huyện được trưng bày và thu hút du khách tham quan, mua sắm, như: Cơm lam, dưa nương, chuối rừng, măng rừng… là những sản vật đặc trưng của núi rừng Hoà Bình. Và cả những sản phẩm OCOP các địa phương như: Mật ong, gạo nếp nương, cao xạ đen, cà gai leo...

Ông Nguyễn Văn Chương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức phiên chợ vùng cao nhấn mạnh: Chợ phiên là nét sinh hoạt văn hóa truyền thống không thể thiếu trong cuộc sống. Chợ phiên không đơn thuần là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa mà còn là điểm hẹn giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, nơi hội tụ giá trị tinh thần và nét đẹp văn hóa độc đáo mang đặc trưng của các vùng miền.

Thông qua phiên chợ nhằm tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và du lịch, giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông sản, hàng hóa tiêu biểu của tỉnh. Chợ phiên là nơi hội tụ để các doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện gặp gỡ, giao lưu, mua bán hàng hóa; đồng thời hợp tác, tìm kiếm đối tác, mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh và thị trường tiêu thụ sản phẩm trong, ngoài tỉnh, góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển bền vững.

Các sản phẩm tham gia trưng bày, giới thiệu và bán tại Phiên chợ vùng cao là hàng hóa tiêu biểu, đặc sắc của địa phương, vùng miền; đảm bảo yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ.

Lê Thúy và nhóm PV, BTV