Nhờ mức phí và lãi suất (LS) thấp nên loại thẻ này phù hợp với số đông khách hàng có nhu cầu vay tiêu dùng trong khoảng 10-20 triệu đồng.

Trước đây, hầu như chỉ có thẻ tín dụng quốc tế liên kết với các tổ chức trong nước, như thẻ Visa, MasterCard, JCB, Union, American Express… Do phụ thuộc vào các tổ chức quốc tế nên các ngân hàng (NH) phải chấp nhận mức phí rất cao. Khi sử dụng thẻ tín dụng quốc tế, khách phải chịu phí rút tiền mặt 4%, phí phạt chậm trả 3-5%, phí quẹt thẻ 1,3-3,5%, phí thường niên từ 200.000-3 triệu đồng/thẻ (tùy loại và hạng thẻ thường, vàng, bạc, kim cương), LS từ 1,5-3,99%/tháng (tùy loại thẻ, NH). 

{keywords}
Thẻ tín dụng nội địa đang được xem là một kênh tín dụng tiêu dùng hiệu quả

Hiện có bảy tổ chức tín dụng phát hành thẻ tín dụng nội địa, gồm NH Công Thương Việt Nam (Vietinbank), NH Á Châu (ACB), NH Bảo Việt (Bao Viet Bank), NH Phát triển TP.HCM (HDBank), NH Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), NH Bản Việt (VietCapital Bank), Công ty cổ phần Tài chính Tín Việt (VietCredit). NH Việt Nam Thương Tín (Vietbank) cũng dự kiến phát hành vào đầu tháng 7/2021. 

Theo các tổ chức tín dụng, đây là hình thức hỗ trợ cho vay tiêu dùng nhỏ lẻ để khách hàng không còn tìm đến “tín dụng đen” hoặc vay bên ngoài với LS quá cao. Hầu hết thẻ tín dụng trong nước có mức phí và LS thấp. Chẳng hạn, với thẻ tín dụng nội địa Vietinbank i-Zero, người mở thẻ chỉ cần có thu nhập 5 triệu đồng/tháng, hạn mức chi gấp 10 lần thu nhập, miễn LS trọn đời cho tất cả giao dịch chi tiêu qua thẻ, miễn phí thường niên. ACB Express có LS chỉ 1,25%/tháng, cho phép người sở hữu rút tiền tại tất cả ATM trên toàn quốc miễn phí, nếu rút tại NH khác thì mức phí là 2%/số tiền giao dịch, mua trả góp với LS 0% ở 150 đối tác, chỉ thanh toán tối thiểu 3% số tiền sử dụng hằng tháng. VietCapital miễn phí phát hành, miễn phí khi rút tiền ở cùng và khác NH, miễn LS 55 ngày thay vì 45 ngày như một số dòng thẻ tín dụng quốc tế, miễn phí thường niên trọn đời, mua sắm trả góp với LS 0%, hoàn tiền 5% khi mua sắm trực tuyến, LS 2,8%/tháng…

“Dù vậy, nếu được, các NH có thể giảm thêm phí hoặc xây dựng chính sách phí dịch vụ phù hợp để tạo điều kiện cho dòng thẻ này phát triển hơn; triển khai và phổ biến sâu rộng dòng thẻ này tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tôi từng hỏi người dân tại một tỉnh miền Bắc rằng, trong xã có bao nhiêu NH, có thể vay tiền từ NH nào thì hầu hết đều không biết. Tín dụng “đen” có đất sống là do tín dụng chính thức chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân” - ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NH Nhà nước Việt Nam, khẳng định. 

(Theo Phụ Nữ TP.HCM)