Thời gian qua, câu chuyện cho mượn xe ô tô nhưng lại không mấy suôn sẻ như xe bị dính phạt nguội, va chạm gây xước xát, hỏng xe, nặng hơn là gây tai nạn hay thậm chí người mượn mang xe đi... cầm đồ, khiến dư luận hết sức quan tâm.
Trên thực tế, rất nhiều trường hợp vì nể nang nên đã giao phương tiện của mình cho người quen mượn, bất chấp việc người đó có đủ điều kiện, khả năng điều khiển phương tiện đó hay không. Việc để người khác sử dụng phương tiện có giá trị lớn và là nguồn gây nguy hiểm cao độ như ô tô tiềm ẩn nhiều rủi ro mà những người trong cuộc khó đoán biết.
Trao đổi với VietNamNet về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng Luật sư Tinh thông Luật (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho rằng, trong cuộc sống hàng ngày, việc cho bạn bè, người thân mượn xe để đi lại là điều không thể tránh khỏi.
Nếu xảy ra va chạm thì chủ sở hữu ít nhiều vẫn bị liên đới bởi phương tiện giao thông như ô tô được xác định là nguồn gây nguy hiểm cao độ.
Luật sư Diệp Năng Bình viện dẫn, theo Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ. Cụ thể, nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm các phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ và thú dữ. Thiệt hại do những nguồn nguy hiểm cao độ này gây ra sẽ yêu cầu bồi thường trực tiếp từ chủ sở hữu.
Tuy nhiên, theo vị luật sư này, nếu đã giao cho người khác sử dụng, chiếm hữu (cho mượn, cho thuê) thì người này sẽ chịu trách nhiệm bồi thường, trừ khi có thỏa thuận riêng với chủ sở hữu.
Trường hợp giao xe cho người quen dẫn tới hỏng hóc, phạt nguội hay va chạm giao thông do lỗi của người mượn xe thì đương nhiên họ sẽ phải chịu trách nhiệm với tài sản đó. Tuy vậy, trên thực tế không ít trường hợp hai bên bất đồng quan điểm, thậm chí cự cãi vì khó xác định hỏng hóc hay thời điểm vi phạm giao thông vì không có chứng cứ rõ ràng.
Còn trường hợp nếu chủ xe giao phương tiện của mình cho người không có đủ điều kiện, năng lực điều khiển (như không có GPLX, trong người có nồng độ cồn, sử dụng ma tuý,…) là vi phạm pháp luật, nếu gây tai nạn, chủ xe cũng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
"Theo Khoản 76 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 liên quan đến việc cho mượn xe gây tai nạn thì ai chịu trách nhiệm, Theo đó, chủ sở hữu sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu giao xe cho những người không đủ điều kiện tham gia giao thông. Nếu gây ra thiệt hại hoặc hao tổn sức khỏe quá nghiêm trọng, chủ xe còn có thể bị tù giam lên đến 7 năm", luật sư Diệp Năng Bình dẫn chứng.
Đồng tình với ý kiến trên, luật sư Lê Văn Kiên - Trưởng văn phòng Luật sư Ánh sáng Công lý (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cũng cho rằng, việc cho mượn xe tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn chúng ta tưởng.
Ngoài trách nhiệm trước pháp luật khi không may người mượn xe gây tai nạn giao thông, chủ xe còn mất rất nhiều thời gian, tiền bạc bởi chiếc xe của mình buộc phải tạm giữ để phục vụ cho quá trình điều tra.
Luật sư Kiên chia sẻ: "Thực tế, chúng tôi từng gặp rất nhiều trường hợp người mượn không may làm mất xe. Trên lý thuyết, người mượn xe sẽ phải bồi thường, nhưng khi nào đền và đền bao nhiêu thì còn phụ thuộc vào khả năng của họ. Không ít trường hợp hai bên mâu thuẫn, dẫn tới kiện cáo, hai bên dù trước đó là bạn bè, người thân nhưng sau đó đã không nhìn mặt nhau.
Phức tạp hơn là trường hợp người mượn mang xe đi cầm đồ, thậm chí bán ở một địa phương khác rồi bỏ trốn, lúc đó lại phải mất thời gian để trình báo, tố cáo, xác minh và chờ cơ quan công an giải quyết rất mất thời gian và tiền bạc. Chủ xe lúc này rơi vào cảnh "chưa được vạ thì má đã sưng".
Do vậy, luật sư Lê Văn Kiên đưa ra một số lời khuyên cho chủ xe khi đưa phương tiện của mình cho người khác sử dụng như sau:
Đầu tiên là phải kiểm tra xem người mượn xe đủ điều kiện để điều khiển phương tiện hay không (tuổi, GPLX, tình trạng sức khoẻ,...). Nếu người mượn xe không đảm bảo được những điều kiện này, chủ xe không nên cho mượn.
Trao đổi thẳng thắn về trách nhiệm của người mượn xe trong các trường hợp như hỏng hóc, va chạm, phạt nguội,... Đồng thời, hai bên cùng kiểm tra tình trạng xe trước khi giao để tránh những nghi ngại không đáng có về sau.
Ngoài những rủi ro liên quan đến pháp lý như phân tích của hai vị luật sư ở trên, khi cho mượn ô tô mà xảy ra va chạm, hỏng hóc, dù chiếc xe có mua bảo hiểm thì cũng có thể bị phía bảo hiểm từ chối chi trả chi phí khắc phục.
Anh Hoàng Viết Phương - một tư vấn bảo hiểm ô tô tại Hà Nội cho biết, trong một số trường hợp khi người mượn xe trực tiếp cầm lái và gây tai nạn thì có thể không được bảo hiểm chi trả, bởi thông thường phía bảo hiểm ghi rõ trong hợp đồng 2 thực thể là chủ xe (hoặc người mua bảo hiểm) gắn với bản thân chiếc xe đó.
Người mượn xe không có tên trong hợp đồng bảo hiểm vẫn cầm lái gây va quệt, tai nạn và phát sinh chi phí tài đền bù có thể sẽ là trường hợp bị loại trừ ở một số hợp đồng bảo hiểm.
"Để hạn chế rủi ro này, trước khi ký hợp đồng với phía bảo hiểm, chủ xe nên yêu cầu một điều khoản bổ sung trách nhiệm bảo hiểm đối với chủ xe và người được chủ xe cho mượn (nếu có). Lúc này, người mua bảo hiểm sẽ phải chi trả nhiều tiền hơn cho điều khoản này, giống như trường hợp bảo hiểm thuỷ kích cho xe vậy", anh Phương chia sẻ.
Hoàng Hiệp
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy - Báo VietNamNet theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!