Ngụ ấp Long Bình, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, ông Nguyễn Thành Út là nông dân tiêu biểu khi mạnh dạn chuyển đổi gần 2,2 hecta diện tích đất trồng lúa sang trồng thanh nhãn ứng dụng hệ thống phun tưới tự động thông qua thiết bị di động, đồng thời ứng dụng máy bay không người lái trong việc phun thuốc, rải phân... Với sự đầu tư trên, những năm gần đây ông Út đã đạt được nhiều kết quả ngoài mong đợi.
Để có được kết quả như hiện tại, năm 2022, ông Út được sự hỗ trợ từ Phòng NN&PTNT huyện Chợ Mới trong lắp đặt hệ thống tưới thông minh cho cây thanh nhãn, từ nguồn kinh phí nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Thời gian tới, Trạm Khuyến nông của huyện Chợ Mới sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương đề xuất Sở, ban ngành tỉnh hỗ trợ cho nông dân giải pháp tài chính, ký kết tiêu thụ đầu ra các sản phẩm, nhằm khẳng định hiệu quả của cây thanh nhãn tại địa phương. Đồng thời sẽ mở ra hướng phát triển thêm các loại cây trồng khác, rau màu có giá trị kinh tế cao khác trên địa bàn huyện.
Toàn tỉnh An Giang hiện có 33 hợp tác xã nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, như máy bay không người lái (Drone) sạ lúa, phun thuốc trên đồng ruộng, trồng dưa lưới, rau màu trong nhà màng, hệ thống tưới phun tự động kết hợp phun thuốc, hệ thống tưới sử dụng pin năng lượng mặt trời, canh tác xoài, rau màu, lúa theo tiêu chuẩn VietGAP... Có 9 mô hình sản xuất lúa ứng dụng cơ giới hóa, ứng dụng Drone 3 trong 1, thiết bị gieo sạ cụm gắn doanh nghiệp tiêu thụ. Ngành nông nghiệp tập trung tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị ở hầu hết các ngành hàng chủ lực, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp.