- Chợ gà này có từ nhiều năm, hoạt động ngay cả những lúc dịch cúm A/H5N1 hoành hành. Những người bán gà nơi đây dựng sạp dọc hai bên đường, bày bán các loại gia cầm: gà, vịt, ngan, ngỗng.
Tại cầu Tham Lương (giáp ranh quận Tân Bình và quận 12, TP.HCM), một chợ gà náo nhiệt được họp ngay trên hai lề cầu, gồm cả 2 chiều ra - vào thành phố.
Gà được nhốt trong lồng đặt ở ghế sau xe gắn máy. Trên mỗi lồng đều có một hoặc hai con được cột chân đứng làm mẫu; bên dưới lồng gà, một tấm biển đề chữ thật to: “gà vườn 85.000đ/con”.
Chợ gà trên cầu Tham Lương |
Người bán đứng sát bên xe đon đả mời chào. Tuy nhiên, tất cả đều trong tư thế sẵn sàng… chạy khi có kiểm tra của thú y quận.
Tương tự trên cầu An Lộc (giáp ranh quận 12 và quận Gò Vấp) xe máy chở gà dàn thành hàng dài trên cả hai lề cầu. Người bán, người mua dường như chẳng quan tâm đến thông tin dịch bệnh H5N1 đang có nguy cơ bùng phát.
Còn tại khu vực cầu Chợ Cầu trên đường Quang Trung (Q.Gò Vấp). Chợ gà tại đây về chiều vắng khách hơn thường lệ, có lẽ do là ngày ăn chay. Tuy nhiên người bán tỏ ra khá bình thản, dù dân phòng phường đang trực chốt gác, thỉnh thoảng lại “ra quân” xua đuổi họ...
Trên cầu Chợ Cầu |
Dân phòng chỉ đứng làm kiểng rồi lên xe bỏ đi |
Riêng khu vực cầu Trường Đai (đường Lê Đức Thọ, Q.Gò Vấp) khi chúng tôi đến, chợ gà vừa qua một đợt bố ráp. Thế nhưng, những chiếc xe gà di động chạy trốn đoàn kiểm tra nhanh thế nào, thì khi lực lượng chức năng bỏ đi, họ lại chở lại “chiếm địa bàn” nhanh như vậy !
Trên cầu Trường Đai, xe gà tái xuất sau bố ráp Xe gà chạy vào khu dân cư tiếp tục bán chỉ với 80.000đ/con |
Hoặc đến một chợ gần đó. |
Quan sát kỹ các xe bán gà, chúng tôi nhận thấy gà ở đây phần lớn đều xơ xác. Có lẽ chúng bị phơi nắng quá lâu. Thậm chí có con có dấu hiệu nhiễm bệnh, không còn vẻ lanh lợi vốn có…
Cầu An Lộc, Trường Đai và Chợ Cầu đều là những cây cầu nối liền quận Gò Vấp và quận 12. Các chợ gà lưu động phần lớn đều họp chợ trên những cây cầu giáp ranh địa giới hành chính.
Một người bán gà cho biết, sở dĩ họp chợ trên những vùng giáp ranh vì mỗi khi có đoàn kiểm tra của quận này tới chỉ cần vọt xe qua địa giới quận khác cách đó vài chục mét là an toàn.
Tuy nhiên, các chợ gà lưu động trên chỉ mới xuất hiện rầm rộ trong thời gian gần đây. Một chợ gà khác lâu đời hơn nằm ngay giữa vùng giáp ranh huyện Hóc Môn và Bình Chánh, trên đường Phan Văn Đối.
Chợ gà này có từ nhiều năm, hoạt động ngay cả những lúc dịch cúm A/H5N1 hoành hành. Những người bán gà nơi đây dựng sạp dọc hai bên đường, bày bán các loại gia cầm: gà, vịt, ngan, ngỗng.
Chợ gà phía sau KCN Vĩnh Lộc giáp ranh H. Bình Chánh và Hóc Môn |
Trong thời gian đi thực tế, chúng tôi chứng kiến chỉ có một vài chợ ở ngoại thành như chợ Vĩnh Lộc có đoàn kiểm tra thú y huyện Bình Chánh đi kiểm tra các quầy bán gà, vịt. Những quầy không có kiểm dịch đều bị tịch thu và tiêu hủy.
Trạm thú y Bình Chánh thu giữ để tiêu hủy gia cầm chưa qua kiểm dịch. |
Một quầy bán gà, vịt làm sẵn tại chợ tự phát trên đường Phạm Văn Chiêu, Q.Gò Vấp. |
Mới đây, Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có thông báo xác nhận trường hợp bệnh nhân Trương Phú Sơn, 22 tuổi, quê Thanh Hóa hiện tạm trú tại thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) đang điều trị tại bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM đã bị nhiễm cúm A (H5N1). Đây là trường hợp thứ 3 tính từ đầu năm đến nay. Hai trường hợp trước đã tử vong.
Như vậy, đại dịch cúm A/H5N1 đang có nguy cơ bùng phát. Phòng tránh dịch hiện là nhiệm vụ chung của các ngành chức năng, thế nhưng, qua khảo sát, tại TPHCM chỉ có các trạm thú y quận, huyện có hoạt động phòng chống dịch, tuy hiệu quả vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tế. Nhân lực mỏng, không đủ sức dàn trải là những khó khăn mà lực lượng này đang gặp phải.
Như vậy, với sự bùng phát dịch bệnh hiện nay, nếu không có sự tiếp tay của chính quyền địa phương, e rằng những cố gắng của ngành thú y cũng trở nên vô nghĩa.
Trần Chánh Nghĩa