Đối chiếu với Luật Đầu tư 2005, việc phê chuẩn cho các dự án thuê đất 50 năm hay 70 năm không sai. Còn việc Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường là thuộc trách nhiệm người quản lý, điều hành và khả năng kiểm tra giám sát.

LTS: Tuần Việt Nam vừa có cuộc trò chuyện với ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright nhằm làm rõ thêm một số vấn đề dư luận quan tâm quanh chuyện phân cấp, phần quyền phê duyệt dự án đầu tư tại địa phương.

Qua các sự cố về môi trường gần đây, vấn đề nâng cao chất lượng các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đang được cả xã hội quan tâm. Câu chuyện phân cấp toàn diện cho địa phương cấp phép và quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài một lần nữa lại được nhắc đến. Là một nhà quan sát, ông có bình luận gì về vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương?

Thời gian qua, để thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, một số địa phương không chỉ dành nhiều ưu đãi (về thuế, tiền thuê đất…) cho họ mà còn “bảo lãnh” cho các chính sách lỏng lẻo về môi trường. Dù các quy định về môi trường của Việt Nam tỏ ra rất chặt chẽ và nghiêm ngặt trên giấy và mọi thứ đều đảm bảo “đúng quy trình” nhưng thực tế lại hết sức lỏng lẻo như chúng ta đã thấy.

Tôi cho rằng, một chính quyền tốt nhất, hiệu quả và hiệu năng nhất, theo các nhà nghiên cứu kinh tế và Ngân hàng thế giới (WB), đó là chính quyền gần dân nhất. Vì vậy, việc phân cấp – phân quyền là hoàn toàn đúng nhưng cách chúng ta thiết kế lại chưa đúng mới dẫn đến tình trạng như chúng ta đang mổ sẻ câu chuyện Formosa.

* GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường: Khi tính toán đến việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê, chúng ta đã nghĩ tới một tương lai vừa khai thác mỏ vừa luyện thép tại ngay địa bàn Hà Tĩnh, một tỉnh nghèo, còn nhiều khó khăn. Thêm vào đó, Hà Tĩnh đã rất nhiệt tình trong việc đưa dự án về địa phương. Họ hy vọng một dự án lớn sẽ tăng nguồn thu cho tỉnh. Tiếc rằng bên cạnh những lý do tích cực, chúng ta đã để xảy ra sơ suất trong vấn đề quản lý, giám sát môi trường.

 

* Ông Nguyễn Văn Nên, nguyên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã trả lời báo chí tại một cuộc họp thường kỳ hồi đầu tháng 3/2015: Thủ tướng đã thống nhất với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc duy trì thời hạn cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án này là 70 năm. Thủ tướng cũng đồng ý với ý kiến của Bộ Tài chính về việc thực hiện các chính sách theo đúng quy định của pháp luật về thuế cũng như các nghĩa vụ tài chính khác đối với nhà đầu tư này.

(Nguồn: vneconomy)

Giờ hãy thử mổ xẻ sâu hơn, chẳng hạn việc chấp thuận cho Formosa thuê đất tới 70 năm, ông thấy có gì cấn cá không?

Việc cấp phép cho các dự án thuê đất 50 năm hay 70 năm đúng hay sai sẽ do các nhà chính sách, kể cả các nhà lập pháp lẫn hành pháp, tranh luận. Tôi không tranh luận trên phương diện pháp lý.

Tuy nhiên, xét về phương diện kinh tế thì việc giới hạn thời gian cho thuê đất không phù hợp có thể làm phát sinh các hành vi kinh tế méo mó, gây ra tình trạng phi hiệu quả. Nếu không vì một trở ngại gì khác thì việc cho thuê đất 70 năm hoặc lâu hơn vẫn nên được khuyến khích.

Hiệu quả mà ông vừa nói tới là cho nhà đầu tư hay cho Việt Nam?

Cho cả nhà đầu tư lẫn nền kinh tế nước ta! Tại sao chúng ta lại hạn chế? Nếu anh là nhà đầu tư, chỉ cho anh thuê đất một thời gian ngắn, thì anh có dám đầu tư lớn vào đó không trong khi thời gian hoàn vốn có thể rất lâu, càng đầu tư lớn thì thời gian hoàn vốn càng lâu, chưa kể cần thêm thời gian để đạt được mức sinh lợi kỳ vọng.

Còn nhà nước đảm bảo cho anh quyền, loại trừ yếu tố rủi ro trong môi trường bất định nào đó, anh sẽ yên tâm đầu tư sâu. Cho nên về phương diện kinh tế không nên tranh luận 50 năm hay 70 năm. Nếu 70 năm tốt hơn thì ta hãy chọn 70. Tất nhiên nếu pháp- lý chỉ cho 50 năm mà ta cho thuê 70 năm thì sai. Cho nên chúng ta hãy nhìn hành vi của nhà đầu tư, cái gì thực sự khuyến khích người ta. Chúng ta đừng định kiến kiểu như vậy.

Ông có suy nghĩ gì về năng lực, về trách nhiệm của địa phương khi được phân cấp quyết định lựa chọn các dự án đầu tư vào tỉnh nhà?

Đừng nên tự đẩy mình rơi vào cái vòng lẩn quẩn hay có người gọi là “chu kỳ tuyệt vọng”.

Thứ nhất, chúng ta đang áp dụng theo kiểu một chủ trương áp cho các địa phương nhưng những cải cách về hành chính có nơi chưa tương thích với những đổi mới về chính trị; trách nhiệm chưa tương thích  với sự huy động nguồn lực….. đều có nguy cơ dẫn đến những nội dung phân cấp không tương thích với nhau.

Thứ hai, câu chuyện Formosa là ví dụ cụ thể cho thấy chúng ta vẫn thiếu cơ chế giám sát phối hợp giữa Trung ương và địa phương.

Phân cấp cho địa phương là đúng, nhưng vì thiếu cơ chế và động cơ giám sát nên Trung ương không nắm bắt được, đeo bám được những thông tin sau này.

Thứ ba, các tiêu chí đánh giá chưa tương ứng. Ví dụ, các địa phương đều phải chạy theo mục tiêu tăng trưởng GDP nên có những nơi họ bỏ qua mục tiêu tăng trưởng bền vững, bảo vệ môi trường, giữ gìn nguồn lực, tài nguyên cho thế hệ mai sau v.v….

Thêm nữa, tư duy nhiệm kỳ chi phối khiến địa phương luôn chạy theo thành tích ngắn hạn, tận dụng nguồn lực cho phát triển trong nhiệm kỳ, cục bộ địa phương, bất kể gây tác hại cho địa phương khác như Formosa là một ví dụ điển hình.

Đó là những trục trặc về thiết kế phân cấp. Còn thực thi phân cấp hình như còn vấn đề chưa ổn?

Đúng, nổi rõ nhất là phân quyền thiếu đồng bộ, quyền không đi đôi với nguồn lực, thiếu sự đối trọng và giám sát.

Thứ hai là những biện pháp bổ trợ phân cấp thiếu vắng điều kiện đi kèm.

{keywords}

Cổng chính công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Ảnh: Duy Tuấn

Năng lực của các địa phương chưa tương thích trách nhiệm được giao. Thế nên mới xảy ra tình trạng khi địa phương được giao phân cấp, liền quay trở lại xin ý kiến Trung ương.

Có sự băn khoăn lo lắng rằng, từ những trục trặc thời gian qua mà Formosa là ví dụ điển hình, có nên phân cấp cho địa phương quản các dự án đầu tư nước ngoài nữa hay để Trung ương? Tức là nên thận trọng trong phân cấp?

Phân cấp, phân quyền là xu thế tất yếu, là chuyện đương nhiên. Những trục trặc xảy ra như tôi đã phân tích trên là do bất cập từ thiết kế, thực thi và điều kiện hỗ trợ. Cho nên phải thiết kế lại chứ không thể đi ngược lại xu thế phân cấp. Chúng ta đã có quá trình kế hoạch hóa tập trung nên đã quá hiểu những hệ lụy kềm hãm sự phát triển ghê gớm từ tập quyền.

Những trục trặc xảy ra mà trong kinh tế học gọi là “chu kỳ tuyệt vọng” càng cho chúng ta thấy rõ những gì cần phải làm. Đó là phân cấp phải có những điều kiện thực thi. Phân cấp không chỉ Trung ương với địa phương mà còn Nhà nước với thị trường, Nhà nước với tư nhân v.v… Những bước tiến này là đúng xu thế. Vấn đề là chúng ta cần thiết kế lại và thực thi cùng những điều kiện phù hợp để không còn lắm những trục trặc, vấn đề như thời gian qua.

* Điều 36 Luật Đầu tư 2005: Ưu đãi về sử dụng đất

1. Thời hạn sử dụng đất của dự án đầu tư không quá năm mươi năm; đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn giao đất, thuê đất không quá bảy mươi năm. Khi hết thời hạn sử dụng đất, nếu nhà đầu tư chấp hành đúng pháp luật về đất đai và có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất thì sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét gia hạn sử dụng đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

2. Nhà đầu tư đầu tư trong lĩnh vực ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư được miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về thuế.

* Điều 52 Luật Đầu tư 2005: Thời hạn hoạt động của dự án có vốn đầu tư nước ngoài

Thời hạn hoạt động của dự án có vốn đầu tư nước ngoài phù hợp với yêu cầu hoạt động dự án và không quá năm mươi năm; trường hợp cần thiết, Chính phủ quyết định thời hạn dài hơn đối với dự án nhưng không quá bảy mươi năm.

Thời hạn hoạt động của dự án được ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư.

Nguồn: Bộ Tư pháp

http://www.moj.gov.vn/vbpq/Lists/Vn%20bn%20php%20lut/View_Detail.aspx?ItemID=16736

Xin cảm ơn và chúc sức khỏe ông Đỗ Thiên Anh Tuấn.

Duy Chiến - Hoàng Hường