Một góc của nhà lồng chợ điện tử Nhật Tảo, ngày 18/9. Ảnh: Lê Quang Nhật |
Tốt nghiệp ngành điện tử của đại học Bách khoa TP.HCM gần bốn năm nay, khi có nhu cầu về linh kiện, anh Đoàn Hữu Tân ra chợ Nhật Tảo, ghé quầy linh kiện của chị Ngọc. Có hàng thì bán, nếu không có thì chị Ngọc sẵn sàng tìm giùm ở các quầy kế bên, cho dù giá trị của những linh kiện mà Tân cần chỉ đáng giá vài chục ngàn, thậm chí là một ngàn đồng.
Thứ gì cũng có
Đã hơn mười năm nay, tuần nào anh Hoàng Vinh (Thủ Đức, TP.HCM) cũng ghé lại ngôi chợ này để săn lùng linh kiện. “Những người bán hàng ở chợ này cũng nói thách, nhưng nhìn chung, rẻ hơn bên ngoài nhiều lắm”, anh nói. Khách đến chợ Nhật Tảo, nếu không rành về linh kiện, sẽ được chủ cửa hàng chỉ dẫn tới nơi bán mặt hàng đó.
Nhật Tảo là ngôi chợ “lạc-xoong” điện tử lớn nhất nước. Ở đây không thiếu thứ gì, nhiều nhất vẫn là hàng Trung Quốc. Sở dĩ linh kiện ở đây có giá rẻ là nhờ nguồn cung cấp từ những thiết bị hỏng chi tiết nào đó, được mua về để lấy linh kiện, hoặc những mặt hàng dùng để thử nghiệm ở nước ngoài, nhập về Việt Nam. Một giáo sư dạy ở đại học Bách khoa TP.HCM kể: “Thành công của những đội tham gia các cuộc thi Robocon tại TP.HCM đều nhờ vào chợ Nhật Tảo. Linh kiện ở đây thứ gì cũng có, giá lại vô cùng rẻ. Hầu hết sinh viên muốn mua gì đều ghé đây. Bản thân tôi cũng là một khách quen ở đây”.
“Chồm hổm” thành chợ
Chị Thanh, tiểu thương của chợ này từ khi nó còn là “chợ chồm hổm” trong lô N của chung cư Nguyễn Kim cho biết lúc ban đầu, chỉ vài chục người che lều bán linh kiện điện tử. Khoảng đầu năm 1989, những người bán rong này cùng với phường góp tiền xây lồng chợ. Ngôi chợ chính thức ra đời từ đó. Nhưng theo anh Tính, một chủ sạp bán hàng điện tử gần chợ nói: “Nói tới chợ Nhật Tảo, phải nói đến cả những gian hàng bán xung quanh lồng chợ. Nếu không có nó thì làm sao chợ Nhật Tảo nổi tiếng như bây giờ?”.
Anh Tính giải thích: “Những sạp hàng trong chợ hiện nay chỉ chuyên bán linh kiện. Còn những cửa hàng bên ngoài, có thể là thuê, bán thiết bị trọn bộ”.
Chị Mai, người đã gắn bó ngôi chợ này trên 20 năm cho biết từ năm 1998, đã có thông báo dời chợ, nhưng đến nay mới thực hiện được.
Sẽ bám trụ!
Lồng chợ Nhật Tảo hiện có gần 230 sạp kinh doanh linh kiện điện tử. Cao ốc A Nguyễn Kim cách lồng chợ cũ gần 100m. Để đáp ứng cho số sạp này chuyển sang, cao ốc A Nguyễn Kim đã dành 169 gian hàng (4m2/gian hàng) với giá cho thuê 365.000 đồng/m2 (tầng trệt) và 265.000 đồng/m2 (tầng lửng). Để hỗ trợ di dời, mỗi tiểu thương sẽ được nhận ba tháng doanh thu (mức doanh thu được căn cứ theo mức thuế đã nộp của từng sạp) và các khoản hỗ trợ di dời.
Lồng chợ Nhật Tảo có vị trí trung tâm của khu chợ Nhật Tảo. Như vậy, nếu có dời những sạp hàng trong lồng chợ này sang vị trí mới, vẫn sẽ không thay đổi kinh doanh của các cửa hàng còn lại. Rồi sẽ có nhiều sạp bán linh kiện chuyển sang những gian hàng đang nằm ngoài lồng chợ để tiếp tục buôn bán...
Khi nghe chợ Nhật Tảo bị di dời sang cao ốc A Nguyễn Kim, nhiều tiểu thương lo lắng. Chị Thanh nói: “Di dời là đúng, nhưng sang một nơi sang trọng như vậy có bán buôn được không? Khách hàng của tui phần lớn là khách mua lẻ với giá trị chẳng đáng là bao”.
Nhiều tiểu thương của ngôi chợ này thay vì sang “siêu thị” mới, đã tìm mặt bằng khác gần ngôi chợ cũ để tiếp tục kinh doanh. Một tiểu thương (đề nghị không nêu tên) nói: “Tôi ủng hộ di dời, nhưng nên có phương án xây dựng lại khu chợ Nhật Tảo chính hiện nay để làm chợ mới sẽ hay hơn. Chúng tôi có dời đi nơi khác, nhưng những cửa hàng xung quanh vẫn còn, nghĩa là chợ điện tử Nhật Tảo vẫn còn. Qua cao ốc mới sẽ không thuận lợi cho khách, ảnh hưởng đến kinh doanh của tiểu thương. Chắc chắn nhiều người sẽ thuê mặt bằng ở xung quanh đây. Tôi cũng đã thuê mặt bằng gần đây rồi”.
theo SGTT