Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5 - 7 túi nilon/một ngày bao gồm cả túi to, túi nhỏ và những túi siêu nhỏ... Như vậy hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường hàng ngày. Chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon.
Một điều đáng lưu ý là việc phân loại, thu hồi và xử lý rác thải tại Việt Nam còn rất hạn chế. Với đặc tính bền, khó phân hủy của các sản phẩm nhựa, ni lông đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật.
Tại chợ Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội vào mỗi buổi chiều tan tầm đều bắt gặp các chị em đi chợ treo đủ thứ thực phẩm trên xe, từ rau củ, quả, thịt, cá được đựng trong những chiếc túi ni lông đủ loại kích cỡ. Trên các quầy hàng, từ thực phẩm tươi sống đến hàng rau, hoa, quả, chỗ nào cũng thấy túi ni lông. Đặc biệt, ở dãy hàng thịt gà, thịt lợn, tôm, cá..., túi ni lông để chất đống dưới gầm bàn. Mỗi món thực phẩm thường được lồng từ 2 đến 3 túi để tăng phần chắc chắn và giữ sạch cho khách mua hàng...
Không chỉ riêng chợ Nghĩa Tân, mà tại các chợ dân sinh khác, đặc biệt là ở khu vực ngoại thành Hà Nội, cả người mua và bán đều “chuộng” sử dụng các loại túi ni lông hơn là các loại bao chứa khác. Thực tế cho thấy, túi ni lông dễ mua, giá rẻ đã và đang tạo thành một thói quen xấu cho người tiêu dùng. Và việc sử dụng túi ni lông một lần rồi vứt bỏ đang được xem là điều hiển nhiên mà không hề biết rằng đây chính là nguy hiểm tiềm ẩn, hủy hoại sức khỏe và gây ô nhiễm môi trường.
Thực tế cho thấy, mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa” được thực hiện tại nhiều địa phương trên cả nước, góp phần thúc đẩy thói quen bảo vệ môi trường đến người dân và các hộ tiểu thương. Từ đó hình thành thói quen bỏ rác đúng nơi quy định, đặc biệt đối với các loại rác thải khó phân hủy trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày.
Đến nay, nhiều điểm chợ, đặc biệt là các chợ trung tâm, chợ vùng cao có phát sinh số lượng giao dịch lớn đã được hỗ trợ các trang bị phục vụ việc thu gom, phân loại rác. Các hoạt động tuyên truyền được thực hiện bằng phương pháp treo băng-rôn, khẩu hiệu, áp phích, tài liệu tuyên truyền tại các điểm chợ; tuyên truyền nội dung qua loa phát thanh của ban quản lý chợ hằng ngày. Các hoạt động truyền thông đã từng bước thay đổi thói quen, nhận thức của tiểu thương, người tiêu dùng trong việc giảm thiểu sử dụng các sản phẩm ni lông, nhựa dùng 1 lần khó phân hủy.
Vào trung tuần tháng 11/2023, Thành đoàn Hà Nội tổ chức chương trình triển khai mô hình chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa năm 2023, tại chợ Phú Gia, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Tại chương trình, Thành đoàn Hà Nội trao tặng 100 làn đi chợ, túi đựng rác tự phân hủy cho tiểu thương và người dân nhằm tuyên truyền vận động bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Chị Nguyễn Thanh Hoa, ở quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết, trước đây chị thường để các loại thực phẩm trong các túi ni lông vì thấy rất tiện lợi và rẻ. Đến khi biết tác hại của túi ni lông và đồ nhựa đối với sức khỏe khi đựng thực phẩm, nhất là thực phẩm nóng thì chị chuyển sang thói quen dùng làn nhựa để đảm bảo sức khỏe và không gây ô nhiễm môi trường.
Theo các chuyên gia môi trường, túi ni lông là vật dụng hết sức gần gũi với mọi người, mọi nhà. Việc sử dụng túi ni lông đã thành thói quen của mỗi người dân vì tính tiện lợi của nó. Bên cạnh đó, giá thành của mỗi chiếc túi ni lông khá rẻ khiến cho việc tiêu thụ loại túi này ngày càng lớn. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết tác hại của túi ni lông gây ra cho con người và môi trường sống.
Bởi vậy, để giảm thiểu phần nào tác hại của việc sử dụng túi ni lông, đồ dùng nhựa, các cơ sở kinh doanh, cơ sở sản xuất phải tự ý thức được trách nhiệm của mình với cộng đồng, nói “không” với túi ni lông không chỉ để bảo vệ sức khỏe con người, giảm thiểu chi phí xử lý bảo vệ môi trường mà còn để cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của cơ quan chức năng có thẩm quyền, tuyên truyền sử dụng và sản xuất những loại túi thân thiện với môi trường.