- Thấy hành động đó, người chủ của chú chó đã lên tiếng mắng mỏ và buông lời đe dọa rằng: “Chó của tôi bị làm sao thì ông sẽ chết trước”, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất kể.

Từ ngày 1/9 vừa qua, phố đi bộ hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã trở thành địa điểm vui chơi lý tưởng của nhiều người dân Thủ đô ngày cuối tuần.

Mặc dù có quy định cấm thả rông chó tại khu vực công cộng, tuy nhiên nhiều người vẫn vô tư đưa chó ra chốn đông người để chó phóng uế bừa bãi gây mất mỹ quan đô thị.

Đặc biệt, các phụ huynh có con nhỏ đi cùng thường lo sợ vì nhiều giống chó dữ như: Becgie, ngao Pháp hoặc Pitbull… không hề được rọ mõm.

{keywords}
Ảnh có tính chất minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Là một người dân ở phố cổ, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cũng rất quan tâm đến vấn đề này. 

Ông cho biết, hiện nay đã có quy định của pháp luật cấm dắt cho ra đường khi không rọ mõm, không đảm bảo an toàn cho người khác. Vì vậy, nếu chó ra đường mà không đảm bảo điều này thì mọi người có thể đánh chết mà không phải đền bù gì.

Theo ông An Chất, người dân đều có quyền làm điều đó khi cảm thấy tính mạng họ bị đe dọa.

Ông Chất nhớ lại một câu chuyện xảy ra ít ngày trước: “Khi đi dạo quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, tôi có gặp ngay một chú cho hít vào chân một người đi bộ. Ngay lập tức, ông ta hất mõm chú chó ấy. 

Thấy hành động đó, người chủ của chú chó đã lên tiếng mắng mỏ và buông lời đe dọa rằng: “Chó của tôi bị làm sao thì ông sẽ chết trước”. 

Vậy, điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là nhiều người nuôi chó nhưng thực thi pháp luật chưa nghiêm, chưa thực hiện đúng công việc của mình”.

Ông Chất cho rằng, xét cho cùng, bản thân những người nuôi chó, dắt chó đi dạo cũng chỉ để phục vụ lợi ích riêng như khoe khoang, thích ra oai, thích chơi trội trước người khác. Có người dắt chó chỉ để cho chó đi vệ sinh… 

Nhưng lợi ích chung là phải đảm bảo an toàn cho người dân. Vậy đã có quy định cấm dắt chó khi không đảm bảo an toàn thì ai cũng phải tuân thủ.

Với vấn đề này, họa sỹ Lê Thiết Cương lại bảy tỏ: “Bản thân tôi không phản đối việc dắt chó đi dạo ở phố đi bộ nhưng theo tôi thì mỗi chủ sở hữu thú cưng cần phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Việc dắt chó đi dạo mỗi tối thể hiện tình yêu của những người yêu động vật. Tuy nhiên, thực tế hiện nay một bộ phận không nhỏ người dân Việt nuôi thú cưng lại ý thức chưa cao, việc dắt chó đi dạo vẫn không rõ mõm, không xích cổ và thả rông gây nguy hiểm cho nhiều người khác".

Ông Lê Thiết Cương cũng nhấn mạnh: “Mỗi người dân đều có một sở thích riêng và tôi rất tôn trọng những người nuôi chó hay những niềm yêu thương đối với động vật. 

Tuy nhiên, việc thả rông, cũng như dắt thú cưng đi dạo cần phải đảm bảo an toàn cho người khác. Bên cạnh đó, ngay bản thân người nuôi chó phải ý thức được việc giữ gìn môi trường. Trong trường hợp, có vấn đề phát sinh như: thú cưng phóng uế bừa bãi, cắn người… thì người chủ phải có biện pháp khắc phục”.

Theo họa sỹ Lê Thiết Cương cho rằng để khắc phục những tai nạn đáng tiếc không may xảy ra thì những nhà chức trách cần có những biện pháp mạnh.

“Khi thả rông chó ra đường, nhà chức trách cần phải có những dụng cụ hỗ trợ, xây dựng những nhà vệ sinh công cộng dành riêng cho thú cưng. 

Ông cho biết thêm, ở một số nước phát triển người dân rất tuân thủ những quy định riêng khi sở hữu thú cưng. 

Ngoài ra, ngay trên những con phố, công viên người ta cũng để sẵn những dụng cụ sơ cứu, túi nilon, găng tay... để khi chẳng may thú cưng của mình thải chất thải ra môi trường thì người chủ phải tự dọn để tránh ảnh hưởng đến người khác.

Trả lời VietNamNet, Luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh cho biết, theo Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày ngày 09 tháng 01 năm 2007 về phòng, chống bệnh dại ở động vật, chủ nuôi chó khi đưa cho ra ngoài nơi cộng cộng phải rọ mõm chó, cụ thể như sau:

“Điều 6. Nuôi chó

Chủ nuôi chó phải thực hiện các quy định sau đây:

1. Đăng ký việc nuôi chó với Ủy ban nhân dân cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư.

2. Xích, nhốt hoặc giữ chó; đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới người xung quanh. Ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị khi đưa chó ra ngoài, phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm và có người dắt.

3. Nuôi chó tập trung phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y; không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh.”

Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 5 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng quy định: “Chủ nuôi chó, mèo phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt; Nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh.”

Ngoài ra, theo các văn bản pháp lý trên, chủ nuôi chó phải chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên những quy định trên là chưa triệt để, vì hiện nay chỉ có chế tài xử phạt người thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng với mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng mà chưa có chế tài để xử phạt chủ chó nếu họ không rọ mõm chó. Như vậy là chỉ khi xảy ra việc chó cắn người thì họ mới phải có trách nhiệm bồi thường, nghĩa là phải khi xảy ra hậu quả rồi thì mới có chế tài xử lý.

Trên thực tế rất nhiều vụ việc thương tâm khi chó cắn người hoặc gây thiệt hại cho tài sản của người khác ở nơi công cộng. Nếu như chủ chó rọ mõm cho chó thì sẽ không thể xảy ra các vụ việc này.

Vì vậy, rất cần có sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của cơ quan chức năng để hạn chế và ngăn ngừa những nguồn nguy hiểm như này.

H. Thúy - M. Giang