- “Trước ta để bên Tư pháp có quyền cải chính tuổi, thành ra mấy ông cán bộ cứ ăn gian.” - ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) nêu ý kiến không đồng tình luật quy định việc cải chính tuổi.
Thảo luận tại tổ về bộ luật Dân sự sửa đổi sáng 10/6, các ĐBQH băn khoăn về quy định quyền thay đổi họ, tên, ngày tháng năm sinh.
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng một người vừa thay đổi họ tên, vừa sửa ngày tháng năm sinh mà được chấp nhận thì hoàn toàn thành một người khác.
Không đồng tình quy định cho phép cải chính tuổi, ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) phản ánh: "Trước ta để bên Tư pháp có quyền cải chính tuổi, thành ra mấy ông cán bộ cứ ăn gian. Nếu tôi làm tổ chức, tôi không bao giờ đề bạt những người đi xin giảm tuổi để ngồi chiếm ghế”.
ĐB Lê Đình Khanh: Cho cải chính tuổi dễ bị làm bừa. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Ông Khanh cho rằng, việc cải chính tuổi phải đưa ra tòa án xác định, điều tra, xem xét rõ ràng, không để ở sở, phòng Tư pháp như hiện nay sẽ bị "làm bừa".
Khai lý lịch lạc hậu
Xung quanh quy định liên quan họ và tên, Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga lưu ý các mẫu bản khai lý lịch vẫn lạc hậu khi đặt câu hỏi trước và sau Cách mạng tháng 8 bố mẹ làm gì, trong khi lúc đó bố mẹ còn chưa sinh ra.
Bà Nga cũng phản đối việc đặt ra các quy định pháp luật để hạn chế việc đặt tên. ĐB cho rằng, lấy lý do mẫu các bản khai lý lịch phần họ và tên thường trống chỗ ngắn, không đủ khai tên dài không phải lý do thuyết phục.
Bà Lê Thị Nga: Mẫu khai lý lịch bây giờ vẫn còn hỏi trước và sau Cách mạng tháng bố mẹ làm gì |
Phó chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Sơn (Hà Nội) quả quyết thực tế không có ai đặt tên dài quá. Quyền của công dân là được khai sinh, đăng ký tên tuổi, không nên hạn chế.
Trong khi đó, Phó chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM Huỳnh Ngọc Ánh cho rằng dù có quyền nhưng phải có giới hạn chứ không thể ‘vô biên". Ông cho rằng quy định tên không được số, mã hóa, không quá dài, nhưng bao nhiêu chữ, 25 hay 30 cần bàn thêm để sau này mã hóa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho phù hợp.
Lén chuyển giới rồi phải chịu
Liên quan quy định về chuyển đổi giới tính, ĐB Trần Thanh Hải (TP.HCM) chỉ ra mâu thuẫn trong dự thảo bộ luật khi "không thừa nhận nhưng cho những người đã chuyển đổi giới tính được được yêu cầu cơ quan nhà nước thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác có liên quan".
Các ĐBQH chỉ ra mâu thuẫn về quy định chuyển giới |
Theo ĐB, quy định như trên còn khiến chuyển đổi giới tính nhiều, đề nghị nếu không cho chuyển đổi giới tính thì cấm luôn, còn cho chuyển đổi thì phải quy định hợp lý.
Trưởng đoàn TP.HCM Huỳnh Thành Lập cho rằng ai cũng có quyền sống, lỡ "lén" chuyển rồi thì nhà nước tìm cách gỡ cho người chuyển giới.
ĐB Nguyễn Sơn ủng hộ việc chuyển đổi giới tính theo nhu cầu như một chính sách nhân đạo. ĐB Lê Đình Khanh nhận định quan trọng nhất phải xác định giới tính như thế nào, theo nhiễm sắc thể, hay theo cấu tạo cơ thế, phải quy định rõ trong luật.
C.Hoàng - T.Hằng - H.Nhì - T.Hạnh - T.Lý - L.A.Dũng