Ứng dụng thương mại điện tử - “bệ đỡ” cho nông sản trong giãn cách

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Hậu Giang, từ nay đến cuối năm, toàn tỉnh có khoảng 466.100 tấn trái cây các loại; 309.400 tấn rau màu các loại; 80.000 tấn thủy hải sản các loại đến vụ thu hoạch. Tuy nhiên do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên sản phẩm nông sản chỉ tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh; khả năng kết nối với các tỉnh, thành phố trên cả nước khá hạn chế.

“Cái khó ló cái khôn”; trong hoàn cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp, HTX và các nông hộ Hậu Giang buộc phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trên sàn giao dịch điện tử để tiêu thụ và thu mua hàng hóa nông sản.

{keywords}
Nông sản Hậu Giang trên sàn giao dịch Postmart

Về phía các ban ngành chức năng, cùng với việc nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản tại các chợ truyền thống, chợ đầu mối, các hệ thống siêu thị trong điều kiện đảm bảo các quy tắc phòng, chống dịch, cũng đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử bằng cách hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp và HTX thực hiện việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hỗ trợ phần mềm bán hàng thông minh qua các sàn giao dịch thương mại điện tử như: Lazada, Tiki, Shopee, Voso, Postmart... Kết quả, ngay trong giãn cách xã hội, có hơn 20 sản phẩm của Hậu Giang được đưa lên giao dịch trên các sàn thương mại điện tử với sản lượng hàng chục tấn.

Tại các “chợ nông sản 4.0” này, nông sản Hậu Giang tiếp cận trực tiếp tới người tiêu dùng mà không phải qua bất cứ mắt xích trung gian nào, qua đó có thể giảm giá thành, tăng cường điều kiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây là trung gian giao dịch không chỉ giúp người bán nhanh chóng đưa sản phẩm của mình ra thị trường với những thông tin minh bạch, mà còn giúp người mua tìm kiếm, tiếp cận nhà cung cấp, sản phẩm thực phẩm sạch nhanh hơn với chi phí tiết kiệm hơn.

Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm chủ lực qua giao dịch điện tử

Ngày 19/08/2019 Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang phối hợp với Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp Việt Nam ra mắt Sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc "Nông sản Hậu Giang". Sàn giao dịch đặt ra mục tiêu giúp người nông dân, HTX, doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài tỉnh Hậu Giang đưa nông sản lên sàn giao dịch để quảng bá sản phẩm; đồng thời xây dựng vùng nguyên liệu nông sản theo chuỗi sản xuất gắn với truy xuất nông sản đáp ứng thị trường trong và ngoài nước.

{keywords}
 Sàn Giao dịch và truy xuất nguồn gốc "Nông sản Hậu Giang"

Sau hơn 2 năm vận hành Sàn giao dịch "Nông sản Hậu Giang", đã có gần 2.200 tổ chức và cá nhân đăng ký tài khoản sử dụng với hơn 320 nông sản, sản phẩm tham gia trên sàn. Các tổ chức và nông dân có điều kiện thuận lợi để ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản. Người dân đã thành thạo ghi chép nhật ký điện tử trong hoạt động và sản xuất; tạo mã truy xuất nguồn gốc nông sản của mình thông qua mã QR Code; đưa sản phẩm lên sàn giao dịch để quảng bá…

Trong hoàn cảnh giãn cách xã hội dài ngày trong tháng 9/2021, để khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, Hậu Giang đặt mục tiêu tăng lượng sản phẩm chủ lực được bán qua sàn giao dịch điện tử.

Theo chỉ đạo của ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang tại buổi làm việc với các ngành về sàn giao dịch điện tử nông sản của địa phương, các ngành liên quan sẽ tham mưu để UBND tỉnh sớm ban hành kế hoạch triển khai thực hiện giao dịch điện tử đối với nông sản đến các HTX, người dân; hỗ trợ, hướng dẫn nông dân về sàn giao dịch điện tử nông sản, giúp họ hiểu về ưu điểm khi đưa nông sản lên sàn TMĐT. Trước mắt, tỉnh sẽ thực hiện giao dịch điện tử đối với 66 sản phẩm OCOP của địa phương.

Song song đó, cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục hỗ trợ các cơ sở chọn lựa hình ảnh, cập nhật thông tin và quản lý bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT; hỗ trợ nông hộ đăng ký tham gia sàn TMĐT lớn để kết nối, quảng bá mở rộng thị trường trong điều kiện hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống không thể thực hiện được.

{keywords}
 Bưởi Năm Roi Hậu Giang - đặc sản trái cây mọng nước, vị ngọt thanh mát

Hậu Giang đặt mục tiêu thông qua các sàn TMĐT và nền tảng số để cung cấp thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp như: thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân... Tỉnh sẽ lựa chọn đưa lên sàn TMĐT các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào, công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp có thương hiệu uy tín, chất lượng tốt, giá cả phù hợp để giới thiệu, cung cấp cho hộ sản xuất nông nghiệp.

Như vậy, với Hậu Giang, việc tham gia giao dịch trên các sàn TMĐT không chỉ giải bài toán tiêu thụ trước mắt trong mùa dịch Covid-19 mà còn giúp nông dân, HTX, doanh nghiệp hướng tới chủ động sử dụng công nghệ, từng bước chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nông sản bền vững.

Minh Ngọc