Phiên tòa xử vụ ly hôn “nghìn tỷ” giữa nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo và bị đơn là ông Đặng Lê nguyên Vũ , Chủ tịch Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên ngày 21/2 kết thúc sau các màn đối đáp hai bên, trong đó trọng tâm là phần chứng minh công sức hình thành, phát triển Trung Nguyên, nhằm làm rõ việc phân chia tài sản.

Kết hôn để cứu Trung Nguyên

Bảo vệ quyền lợi cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo, luật sư Phan Trung Hoài nêu hoàn cảnh gia đình và điểm xuất phát tạo lập tài sản chung của vợ chồng bà Thảo và ông Vũ. Việc xem xét công sức đóng góp của mỗi bên phải dựa vào thời điểm kết hôn và sự ra đời của Tập đoàn Trung Nguyên và các Công ty trong hệ thống sau này.

Bà Thảo sinh ra và được lớn lên trong một gia đình có điều kiện về kinh tế, cha mẹ kinh doanh vàng bạc đá quý từ những năm đầu 1960. Năm 1994 sau khi tốt nghiệp, bà Thảo tự thi tuyển vào làm việc ở Tổng đài 108 của Bưu điện tỉnh Gia Lai, làm việc ở đây được 5 năm. Vào thời điểm này, bà Thảo quen ông Vũ, được biết gia đình ông Vũ sống ở M’drak, tỉnh Đắk Lắk, hoàn cảnh khó khăn, phải lo lắng tiền bạc gửi lên TP.HCM cho ông Vũ ăn học.

Năm 1997, ông Vũ làm ăn thất bại, thua lỗ mất trắng toàn bộ vốn, công việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn mà ông Vũ và gia đình không quản lý được, chính bà Thảo đi đến quyết định kết hôn vào năm 1998 để lo cho sự nghiệp của gia đình.

Từ khi quen nhau cho đến khi đăng ký kết hôn, hai người đã chung tay tạo dựng cơ nghiệp từ những công việc kinh doanh bình thường nhất, bắt đầu ấp ủ sự nghiệp kinh doanh ngành cà phê, thấy được thế mạnh của nông sản Việt Nam và “thai nghén” xây dựng thương hiệu Trung Nguyên từ những ngày đó. Đó là toàn bộ sự khởi đầu tạo lập khối tài sản chung của gia đình Trung Nguyên.

{keywords}
 

Sau khi kết hôn với ông Vũ vào năm 1998, bà Thảo nghỉ việc ở Bưu Điện, theo chồng vào TP.HCM để lập nghiệp, mở cửa hàng cà phê đầu tiên tại số 587 Nguyễn Kiệm, Quận Phú Nhuận.

Năm 1999, vợ chồng bà Thảo bắt đầu mua lại căn nhà 268 Nguyễn Tất Thành, TP. Buôn Ma Thuột và mua thêm 6 căn nhà bên cạnh để mở rộng và xây dựng một toà nhà lớn làm trụ sở giao dịch của Công ty Trung Nguyên, biến một xưởng sản xuất nhỏ ban đầu, xây dựng thành Làng Cà phê Trung Nguyên hiện nay. Năm đó, bà Thảo mang thai đứa con trai thứ 2, vừa xây một nhà máy lớn trên diện tích 5ha ở Khu công nghiệp Buôn Ma Thuột, vừa xây một nhà máy ở Khu công nghiệp Dapark, Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

“Có thể nói, hầu hết các thành quả quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển Tập đoàn và thương hiệu cà phê Trung Nguyên đều mang đậm dấu ấn của bà Thảo”, luật sư cho biết.

Về phần mình, bà Thảo nhìn nhận cho đến trước thời điểm ông Vũ tổ chức đi thiền 49 ngày vào tháng 10/2013, ông Vũ là người có chí lớn, thông minh, rất giỏi và xuất chúng, trở thành người nổi tiếng, quan tâm các công việc xã hội, còn bản thân bà Thảo lặng lẽ quán xuyến tất cả các việc của Công ty.

Tuy nhiên, biến cố đầu tiên trong cuộc sống vợ chồng xảy ra vào năm 2007, bà Thảo bị ông Vũ đẩy ra khỏi tổ chức Trung Nguyên, khiến bà buồn chuyện gia đình, phải đưa 3 con còn nhỏ qua Singapore sống, là lý do thúc đẩy bà Thảo mở Công ty Trung Nguyên Singapore. Bà Thảo mở một quán cà phê đẳng cấp quốc tế tại sân bay Changi, sau đó đã mở thêm 4 quán nữa.

Cuối năm 2009, bà Thảo quyết định về Việt Nam để tham gia quá trình thành lập CTCP Đầu tư Trung Nguyên và M&A các công ty để tái cấu trúc thành Tập đoàn Trung Nguyên, mô hình khá mới mẻ và rất triển vọng cho việc phát triển lâu dài. Sau gần 3 năm, Công ty đã phát triển kinh doanh quốc tế khá thành công và ổn định, bà Thảo vẫn đi về để lo cho công việc kinh doanh của cả hai Công ty giữa Việt Nam và Singapore.

Trong thời gian này, bà Thảo đã lập Công ty Du lịch Đặng Lê tại Đắk Lắk để mở rộng và phát triển thương hiệu Coffee Tour và cũng được kỳ vọng sẽ phát triển để xây dựng thiên đường cà phê cho Đắk Lắk. Mặc dù nỗ lực hàn gắn hạnh phúc gia đình và xây dựng thương hiệu Trung Nguyên ngày càng phát triển, nhưng trong thời gian sau này, theo bà Thảo trình bày và trên diễn biến thực tế cho thấy ông Vũ tìm đủ cách để đẩy bà Thảo ra khỏi tổ chức, đẩy hạnh phúc gia đình của bà Thảo đến bờ vực sụp đổ.

“Với diễn tiến khách quan theo dòng thời gian nêu trên, có thể khẳng định trong một chừng mực nhất định, bà Thảo có vai trò và công sức đóng góp không chỉ ngang bằng mà còn là chính yếu trong quá trình tạo lập, duy trì và phát triển thương hiệu cà phê Trung Nguyên, vào khối tài sản chung của vợ chồng là vốn cổ phần và giá trị tài sản thực tế của Tập đoàn Trung Nguyên và các Công ty có liên quan”, luật sư trình bày tại tòa.

Bà Thảo chỉ tham gia điều hành Trung Nguyên 9 năm/22 năm

Để chứng minh ông Đặng Lê Nguyên Vũ là người đầu tiên và duy nhất sáng lập và xây dựng thương hiệu Trung Nguyên, luật sư Hoàng Hữu Nhân, bảo vệ quyền lợi cho ông Vũ nêu một số căn cứ pháp lý. Trước hết là các giấy phép đăng ký kinh doanh do cơ quan quản lý nhà nước cấp cho Trung Nguyên từ ngày đầu thành lập.

Theo đó, Giấy phép đăng ký kinh doanh đầu tiên năm 1996 được cấp mang tên ông Đặng Lê Nguyên Vũ (ngoài ông Vũ đứng đơn xin phép kinh doanh còn có bốn người bạn đều là sinh viên). Đăng ký thay đổi kinh doanh ngày 27/11/2000 ngoài ông Vũ thì Trung Nguyên bổ sung thêm thành viên ban quản trị là ông Đặng Mơ sinh năm 1946 (là cha đẻ của ông Vũ) vừa là Ủy viên ban quản trị kiêm Phó Giám đốc Trung Nguyên Cà phê. Và lúc này vốn điều lệ tăng lên 3 tỷ đồng. Tới Đăng ký thay đổi kinh doanh lần thứ 5 ngày 2/10/2002 ngoài việc bổ sung vốn lên 14,4 tỷ đồng và thành lập chi nhánh ở xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng thì Trung Nguyên vẫn chỉ có hai thành viên là ông Đặng Lê Nguyên Vũ và ông Đặng Mơ.

Đến ngày 2/12/2002 từ loại hình kinh doanh Hợp tác xã, Trung Nguyên Cà phê chuyển đổi lên Công ty TNHH Cà phê Trung Nguyên, vốn điều lệ 16 tỷ đồng. Thời điểm này cũng chỉ có hai thành viên là ông Đặng Lê Nguyên Vũ, là người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc. Thành viên và là Phó Tổng Giám đốc là ông Đặng Mơ. Ngoài trụ sở chính đặt tại số 268 Nguyễn Tất Thành, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột, Trung Nguyên còn thành lập 4 chi nhánh ở TP.HCM; Hà nội; Cần Thơ và Lâm Đồng.

Sau khi thành lập Trung Nguyên Cà phê năm 1996, vào năm 1998 (tức 2 năm sau) ông Vũ mới kết hôn với bà Thảo, nhưng mãi đến 8 năm sau - chính xác là đến ngày 12/4/2006 khi thành lập CTCP Trung Nguyên (trên cơ sở là Công ty TNHH Cà phê Trung Nguyên, sau đổi tên thành CTCP Tập đoàn Trung Nguyên), bà Thảo mới tham gia là cổ đông.

Và cho đến Đăng ký thay đổi lần thứ 22 ngày 10/6/2014, với vốn điều lệ công ty là 2.500 tỷ đồng; bà Thảo cũng chỉ chiếm tỉ lệ 28% cổ phần; ông Vũ chiếm 51%; ông Đặng Mơ chiếm 10%; CTCP Cà phê Trung Nguyên chiếm 9% và ông Đặng Nhật Quang chiếm 2%.

Luật sư của ông Vũ cũng dẫn chứng thêm những căn cứ để chứng minh người sáng lập ra Thương hiệu Cà phê Trung Nguyên duy nhất chỉ có ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Đó là các “Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu” do Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp các năm 2000, 2003 và 2005 cho “Chủ giấy chứng nhận: Công ty TNHH Cà phê Trung Nguyên”... Xí nghiệp cà phê Trung Nguyên hay Công ty TNHH cà phê Trung Nguyên đều do duy nhất ông Đặng Lê Nguyên Vũ là người sáng lập, làm chủ.

“Qua chứng minh trên cũng là minh chứng khẳng định bà Thảo cho rằng mình là người đồng sáng lập ra Trung Nguyên là không đúng”, luật sư nêu.

Luật sư cho biết, năm 2006 (chính xác là ngày 8/5/2006 theo QĐ 01/06/ QĐBN do Tổng Giám đốc Đặng Lê Nguyên Vũ ký) bà Thảo mới tham gia điều hành Trung Nguyên. Và cho đến ngày 13/4/2015 bà Thảo bị cách chức Phó Tổng Giám đốc. Như vậy bà Thảo chỉ tham gia điều hành 9 năm/ 22 năm.

Như vậy yêu cầu của ông Vũ được hưởng 70% trong khối tài sản chung của vợ chồng là cổ phần ở các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên theo chúng tôi là hoàn toàn hợp tình, hợp lý.

Các tranh luận ở cuộc ly hôn nghìn tỷ tiếp tục diễn ra ở phiên tòa thứ Hai, ngày 25/2.

(Theo BizLive)