- Chừng nào còn chậm trễ làm giao thông công cộng, Hà Nội sẽ phải trả giá và trả giá rất nặng nề, giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông Hà Nội nói với Góc nhìn thẳng về xe buýt (xe bus) nhanh.
Xem thêm chuyên mục Góc nhìn thẳng
Xe buýt nhanh còn gọi tắt là BRT, một loại hình phương tiện giao thông công cộng tiên tiến sẽ được Hà Nội vận hành chính thức từ ngày 1/1/2017.
Đây là loại hình giao thông được cho là ưu việt, tích hợp khả năng vận chuyển và tốc độ như một tuyến đường sắt đô thị hiện đại.
Tuy nhiên, với hàng loạt chính sách ưu tiên thì loại hình vận tải này đang khiến giới chuyên gia cũng như người dân nghi ngại về hiệu quả trong thực tiễn sắp tới.
Chuyên mục Góc nhìn thẳng có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông, Sở Giao thông vận tải Hà Nội xung quanh vấn đề này.
Theo dõi cuộc trò chuyện tại clip dưới đây:
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, giao thông Hà Nội đang ngày càng ùn tắc, hạ tầng chật chội, khi chúng ta triển khai xe buýt nhanh BRT thì sẽ mang lại tác dụng như thế nào?
Ông Nguyễn Hoàng Hải: Đúng là hiện nay, Hà Nội cũng như nhiều thành phố lớn của Việt Nam đang đối mặt với một vấn đề rất bức xúc, đó là sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện cá nhân và hệ luỵ là áp lực giao thông tăng, ùn tắc giao thông gia tăng.
Tuyến BRT đang triển khai trên một hàng lang có mật độ giao thông tham gia rất cao. Rõ ràng, tuyến này sẽ phải ảnh hưởng đến mạng lưới xe buýt hiện có, ảnh hưởng đến các thành phần tham gia giao thông khác như xe con, một đối tượng có tỷ lệ tham gia giao thông rất cao, xe taxi, xe máy... Cái mà chúng tôi lo ngại là các tình huống xung đột vẫn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Mục tiêu mà chúng tôi đưa ra tuyến xe buýt nhanh để giải quyết vấn đề giao thông trên hành lang này, tức là phải góp phần thu hút cao nhất mức độ người tham gia trên tuyến này, từ đó, giảm mức độ tham gia giao thông bằng xe cá nhân trên tuyến và qua đó, giảm áp lực giao thông.
Đây là câu chuyện mà trong phương án tổ chức giao thông phục vụ cho tuyến BRT đã được đề cập đến. Nó đặt ra 2 câu chuyện, một là tuyến phải được vận hành theo đúng thiết kế, với tần suất cao, tốc độ cao nhưng giao thông trên tuyến phải được cải thiện.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, rõ ràng để triển khai tuyến xe buýt nhanh này, Hà Nội phải cấm xe, kể cả xe máy và phải nhường đường, trong khi hạ tầng lại yếu và giờ cao điểm thì luôn ùn tắc. Theo ông, với những xung đột này thì phải giải quyết như thế nào?
Ông Nguyễn Hoàng Hải: Trong cách tổ chức giao thông để giảm xung đột với những thành phần giao thông này, chúng ta đã thực hiện một loạt các biện pháp. Thứ nhất, đối với chính hệ thống tuyến xe buýt, chúng ta cắt giảm các tuyến song trùng với hành lang này.
Thứ hai là tăng cường các tuyến buýt gom vào các điểm trung chuyển, các điểm dừng dọc tuyến và các điểm đầu, cuối để hành khách có thể thông qua mạng lưới xe buýt chung, kết nối với hệ thống BRT này.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông, Sở GTVT Hà Nội chia sẻ với Góc nhìn thẳng về xe buýt nhanh |
Thứ ba là đối với các thành phần khác, trong giờ ca điểm, chúng ta có những điều chỉnh. Ví dụ như xe taxi có thể hạn chế sử dụng trong giờ cao điểm. Ở những cầu, hiện có 2 cầu vượt trong hành lang có sự tham gia của xe máy rất cao, chúng ta sẽ cho xe máy đi tuyến đường phía dưới, không cho lên cầu.
Với việc tổ chức giao thông chủ động của Sở GTVT Hà Nội, giải quyết hợp lý các điểm xung đột trên dọc tuyến thì những rắc rối phát sinh trên tuyến chắc chắn sẽ được giảm nhẹ.
Những tình huống mà chúng tôi dự kiến sẽ xảy ra thì hy vọng rằng, khi phát sinh, sẽ được xử lý theo đúng kịch bản đã chuẩn bị.
Nhà báo Phạm Huyền: Khi Hà Nội đã ở tình trạng đường sá chật chội, đến mức giờ cao điểm như không có đường mà đi, giao thông đã lộn xộn như vậy rồi, tại sao chúng ta lại phải ưu ái cho một tuyến buýt nhanh?
Ông Nguyễn Hoàng Hải: Chính vì lộn xộn nên phải lập lại trật tự. Một mô hình giao thông vận hành một cách ngay ngắn, có nề nếp, có năng lực vận chuyển cao hơn thì chúng ta nên quan tâm và nên ưu tiên cho nó. Và rõ ràng, khi ưu tiên thì chúng ta phải chấp nhận là có ảnh hưởng đến ai đó, phải có sự hi sinh, chia sẻ của một ai đó.
Rõ ràng, những người đang tham gia giao thông hiện nay, dứt khoát sẽ bị ảnh hưởng nhưng cái ảnh hưởng đó sẽ mang lại cái tích cực chung.
Các bạn có thể thấy, nếu tuyến này được vận hành, một lưu lượng người rất lớn sẽ được vận chuyển thông qua mặt cắt này. Hay là chúng ta cứ lựa chọn câu chuyện rằng, hàng ngày hàng giờ, phương tiện cá nhân cứ được đưa vào giao thông và tưởng tượng đến một lúc nào đó, hàng lang chật cứng xe, không thể đi lại được nữa thì cái giá phải trả giá vô cùng lớn lao
Vậy thì hãy lựa chọn một giải pháp để cho giao thông này sống được . Không có một giải pháp nào khác, chính là phát triển giao thông công cộng, chính là tuyến BRT này.
Ảnh hưởng là không thể tránh khỏi và điều mà chúng tôi mong muốn là cần một sự chia sẻ, sự ủng hộ của cộng đồng để chúng ta có một hệ thống giao thông mang lại lợi ích chung cho xã hội.
Giao thông ùn tắc là căn bệnh trầm kha ở các tp lớn của VN (ảnh: theo chinhphu.vn) |
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, kể từ khi dự án xe buýt nhanh khởi động đến nay, đã có nhiều ý kiến phản biện, thậm chí là không đồng tình việc làm dự án. Gầnđây, có nhà khoa học còn nói rằng, đây là dự án vì vay vốn của Ngân hàng Thế giới nên Hà Nội đâm lao phải theo lao, bất chấp hệ quả có thể xảy ra để tiếp tục triển khai dự án. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Nguyễn Hoàng Hải: Chúng tôi cho rằng, dự án này hay bất kể một dự án vận tải công cộng nào khác đưa ra tại thời điểm này đều là cần thiết và đều là hợp lý. Không có cái nào là quá muộn, không có cái dự án nào là bất chấp tất cả ở đây.
Vì, chừng nào chúng ta còn chậm trễ triển khai giao thông công cộng thì Hà Nội sẽ phải trả giá và trả giá rất nặng nề. Thay vì ngồi chờ đến lúc chúng ta có hệ thống giao thông đối mặt với ùn tắc hoàn toàn, mọi người dân không thể đi được rồi mới tung ra giải pháp, mà lúc đó, giải pháp sẽ còn khốc liệt hơn nhiều, đụng chạm hơn vô cùng nhiều.
Rõ ràng là câu chuyện chọn một tình huống, một giải pháp mà chúng ta nhìn thấy trước mắt, hiện nay thế giới đã sử dụng, nhìn từ góc độ khoa học, chúng ta cũng đã thấy rõ là đó là một công nghệ tiên tiến hơn, ưu thế hơn các thành phần khác, đặc biệt phương tiện cá nhân, thì cũng nên triển khai.
Đành rằng, dự án này đã trải qua rất nhiều khó khăn. Đó là dự án thí điểm, lần đầu tiên có ở Việt Nam và có ở Hà Nội. Tôi cho rằng, đây không phải là đâm lao phải theo lao. Đó là một sự cố gắng, nỗ lực của chính quyền và của những người làm giao thông vận tải.
Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn ông!
Thông tin thêm về xe buýt nhanh (BRT) |
Buýt nhanh (BRT, BRTS) là một hệ thống vận tải công cộng lưu lượng lớn dựa trên xe buýt tổng hợp khả năng chuyên chở và tốc độ như một hệ thống đường sắt đô thị hiện đại, với các đặc điểm như: - Có một làn xe buýt thẳng ở giữa đường (để tránh những nguyên nhân gây chậm trễ thông thường) - Các điểm dừng với điểm thu phí ngoài xe (để giảm thời gian chậm trễ do lên xuống xe liên quan tới việc mua vé) - Sàn điểm dừng ngang với sàn xe (để giảm thời gian chậm trễ do lên xuống khác mức) - Quyền ưu tiên cho xe buýt tại các điểm giao (để tránh chậm trễ do dừng đợi đèn giao thông) Hệ thống BRT đầu tiên là Rede Integrada de Transporte tại Curitiba, Brazil (được dịch là 'Hệ thống Giao thông Kết hợp') đi vào hoạt động năm 1974. Đến nay, thế giới có hơn 150 thành phố đã ứng dụng các hệ thống BRT với ước tính khoảng 27 triệu hành khách sử dụng mỗi ngày. Từ 1/1/2017, tuyến xe buýt nhanh (BRT) sẽ được chạy chính thức tại Hà Nội. Đây là dự án có tổng vốn đầu tư 55 triệu USD, vay Ngân hàng Thế giới. Dự kiến, Hà Nội sẽ triển khai 8 tuyến buýt nhanh và 3 tuyến quá độ khi có lưu lượng lớn sẽ chuyển thành đường sắt đô thị hoặc đường một ray. 8 tuyến BRT gồm: Kim Mã - Lê Văn Lương - Yên Nghĩa (14 km); Ngọc Hồi - Phú Xuyên (đi theo QL1 cũ (27km); Sơn Đồng - Ba Vì (20 km); Phù Đổng - Bát Tràng - Hưng Yên, (15 km); Gia Lâm - Mê Linh (vành đai 3 – dài 30km); Mê Linh - Sơn Đồng - Yên Nghĩa - Ngọc Hồi - QL 5 - Lạc Đạo (vành đai 4 - 53km); Ba La - Ứng Hòa (29km) ; Ứng Hòa - Phú Xuyên (17km).
Tuyến BRT đầu tiên của Hà Nội có lộ trình hai chiều từ Bến xe Yên Nghĩa - Quốc lộ 6 - Ba La - Quang Trung - Lê Trọng Tấn - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - Giang Văn Minh - Kim Mã với chiều dài 14,77 km. |
VietNamNet
Thực hiện: Phạm Huyền
Clip: Xuân Quý- Bạt Tuấn
email: [email protected]
Các tin cùng chuyên mục: