Dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là dự án đường bộ cao tốc đầu tiên ở khu vực phía Nam do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư, quản lý và khai thác. Dự án được khởi công ngày 3/10/2009, thông xe toàn tuyến ngày 08/02/2015, với tổng chiều dài 55km, đi qua thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai.
Việc VEC vừa chính thức đưa vào vận hành, khai thác Trung tâm quản lý điều hành giao thông (ITS) đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây từ hôm nay, 10/3/2017, nhằm mục đích tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm soát tình hình giao thông trên tuyến; xử lý kịp thời các sự cố giao thông; giám sát hoạt động và bảo trì các loại thiết bị lắp đặt dọc tuyến trong điều kiện làm việc tốt nhất, đảm bảo cho các phương tiện lưu thông an toàn, thuận tiện, góp phần tối đa hóa hiệu quả đầu tư của Dự án.
Trung tâm quản lý điều hành giao thông (ITS), hệ thống thu phí, hệ thống giám sát, thông tin liên lạc thuộc Gói thầu số 4 - Dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Gói thầu sử dụng nguồn vốn Jica, là một trong những hạng mục công trình ứng dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao của đơn vị thi công, đơn vị tư vấn và đội ngũ nhân lực khai thác. Có giá trị hợp đồng hơn 852,5 tỷ đồng (không bao gồm VAT và phí dự phòng), gói thầu có thời gian thi công từ tháng 5/2015 và thời gian kết thúc theo hợp đồng là ngày 18/5/2017.
Thông tin từ VEC cho hay, hệ thống ITS trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây gồm 6 hệ thống thiết bị chính. Trong đó, hệ thống camera được lắp đặt dọc tuyến với số lượng 16 camera giám sát (CCTV) và 54 camera thăm dò phương tiện (VDS) giúp nhân viên giám sát nhận biết mật độ phương tiện đang lưu thông trên tuyến, nhanh chóng phát hiện các sự việc, sự cố giao thông xảy ra trên tuyến một cách chính xác.
Toàn bộ dữ liệu hình ảnh, video trên tuyến được truyền về Trung tâm điều hành ITS (đặt tại Km6+300 thuộc phường Phú Hữu, Quận 9, TP.HCM) và được nhân viên trực, theo dõi và xử lý 24/24h. Qua đó, chủ động và nâng cao công tác phối hợp với các cơ quan chức năng, công an địa phương, lực lượng cảnh sát giao thông, cứu hộ giao thông, cứu hộ y tế... trong công tác xử lý vi phạm giao thông, cứu hộ, cứu nạn trên đường cao tốc.
Hệ thống thông tin liên lạc không dây, liên lạc nội bộ, giúp cho việc trao đổi thông tin, phối hợp hành động giữa các đơn vị liên quan một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Hệ thống bảng thông tin điện tử (VMS) cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về điều kiện của tuyến đường, thông tin thời tiết và tình trạng lưu thông trên đường cao tốc, hỗ trợ người tham gia giao thông nắm bắt được đầy đủ thông tin trên tuyến, từ đó làm chủ tốc độ khi lưu thông qua đoạn đường có sự cố xảy ra, thời tiết xấu.
Hệ thống cung cấp cho khách hàng thông tin về tình hình giao thông trên tuyến qua hình thức Intranet. Khách hàng sẽ nhận biết tình hình giao thông qua 2 màn hình khổ lớn được lắp đặt tại Trạm dịch vụ Km41+100, qua đó chọn lựa lộ trình di chuyển thích hợp.
Với hệ thống trạm cân, hệ thống này được lắp đặt trước trạm thu phí Long Phước, trạm thu phí Quốc lộ 51 và trạm thu phí Dầu Giây sẽ kiểm soát tải trọng tất cả các phương tiện trước khi lưu thông vào đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, hỗ trợ phát hiện, cảnh báo và từ chối phục vụ các phương tiện quá tải vào đường cao tốc, góp phần bảo vệ sự bền vững kết cấu hạ tầng đường cao tốc, tăng cường an toàn giao thông, nâng cao hiệu quả khai thác tuyến đường. Đồng thời, hệ thống ITS cũng cung cấp đầy đủ hình ảnh, thông tin các trường hợp vi phạm cho lực lượng chức năng xử lý, xử phạt...
Đáng chú ý, với hệ thống thu phí kín sử dụng công nghệ RFID (33 cửa) thực hiện theo cơ chế tự động nhận dạng biển số xe bằng camera, hệ thống sẽ tự động phân loại xe bằng hồng ngoại kết hợp vòng từ và camera kiểm soát tại tất cả các làn ra vào đường cao tốc.
Tất cả các phương tiện khi vào đường cao tốc đều được nhận dạng, mã hóa các dữ liệu liên quan như thời gian vào, tên trạm vào, biển kiểm soát, loại xe… lưu trên thẻ kiểm soát RFID (một loại thẻ lưu dữ liệu bằng chip nhớ và dữ liệu này có thể trao đổi với máy tính bằng sóng radio thông qua các thiết bị đọc) và phát cho chủ phương tiện.
“Trước khi phương tiện đi ra đường cao tốc, lái xe sẽ trả thẻ kiểm soát cho nhân viên thu phí, đồng thời các thiết bị đọc sẽ đọc các dữ liệu trên thẻ và máy tính sẽ tự động tính toán đưa ra mức phí phải trả dựa trên loại xe, số km đường cao tốc mà phương tiện đã sử dụng. Sau khi nhận tiền máy tính sẽ tự động in hóa đơn (vé cước phí) và mở barrie cho phương tiện đi qua”, đại diện VEC cho hay.
Ngoài 33 cửa thu phí sử dụng công nghệ RFID, trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây còn bố trí 8 cửa thu phí tự động sử dụng công nghệ DSRC. Chia sẻ thêm về những ưu việc của việc thu phí tự động theo DSRC, đại diện VEC cho biết, không chỉ cho phép truyền dữ liệu với độ chính xác cao không ảnh hưởng bởi yếu tố ngoại cảnh, hệ thống còn cho phép giao tiếp thanh toán ngay cả khi xe chạy với tốc độ cao (120km/h), đảm bảo tích hợp với các hình thức thanh toán dịch vụ khác; đồng thời linh động trong chuyển đổi từ hình thức thu phí không dừng (ETC) sang hình thức thu phí quẹt thẻ (MTC).
Đại diện VEC nhấn mạnh, hệ thống thu phí kín giúp tiết giảm chi phí quản lý, vận hành khai thác cho chủ đầu tư, tiết kiệm thời gian và nhiên liệu cho chủ phương tiện do không phải chờ đợi tại các trạm thu phí, công tác thu phí được thực hiện tự động, bảo đảm nhanh chóng, chính xác, minh bạch và công bằng cho các chủ phương tiện; thuận lợi trong quá trình giám sát, hậu kiểm của công tác thu phí.
Dự kiến, việc vận hành chính thức toàn bộ hệ thống thu phí kín trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dự kiến sẽ bắt đầu từ tháng 4/2017.
Tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành – Dầu Giây là tuyến giao thông huyết mạch thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - một trong những khu vực phát triển năng động nhất và đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế. Theo thống kê, kể từ khi thông xe kỹ thuật 20km đầu tiên vào ngày 2/1/2014, tính đến ngày 10/3/2017 tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã phục vụ 30 triệu lượt phương tiện an toàn và thông suốt, với lưu lượng bình quân hiện tại đạt 37.000 - 40.000 lượt phương tiện/ngày đêm. Đặc biệt, cao điểm trong dịp Tết Đinh Dậu vừa qua, có ngày tuyến cao tốc này phục vụ tới 65.000 lượt phương tiện.