Phiên khai mạc Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2018 diễn ra sáng ngày 13/7 có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Phùng Quốc Hiển và các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương. Cùng tham dự còn có gần 2.000 đại biểu, gồm 11 đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế, hơn 50 chuyên gia hàng đầu khu vực và thế giới, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Diễn ra trong 2 ngày 12 - 13/7/2018, Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2018 là sự kiện do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì tổ chức nhằm phối hợp triển khai xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0” và các chương trình hành động, chiến lược, chính sách tham gia cuộc cách mạng này. Đây cũng là sự kiện đầu tiên thực hiện theo Quy chế phối hợp công tác của Ban cán sự Đảng Chính phủ với Ban Kinh tế Trung ương; được phối hợp tổ chức bởi Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&CN, Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT, Bộ Ngoại giao, Bộ TT&TT, Ngân hàng Nhà nước, Bộ NN&PTNT, UBND TP.Hà Nội và Tập đoàn IEC.
Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 gồm có phiên Diễn đàn cấp cao với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0” và có 5 phiên hội thảo chuyên đề với các chuyên gia đến từ Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO), các doanh nghiệp và tổ chức tư vấn quốc tế hàng đầu về công nghiệp 4.0.
Việc Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 và Phiên Diễn đàn cấp cao “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0” và 5 phiên hội thảo chuyên đề được tổ chức trong thời điểm hiện nay, theo các chuyên gia, là đặc biệt cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, trong đó có chính sách phát triển công nghiệp.
Trong phát biểu khai mạc và đề dẫn tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng chiến lược mang tính quốc gia để chủ động tham gia có hiệu quả vào cuộc CMCN có tính đột phá này.
Tại Việt Nam, Bộ Chính trị khoá 12 đã nêu rõ nhiệm vụ sớm xây dựng chiến lược tiếp cận và chủ động tham gia cuộc CMCN4.0. Trong đó, xác định rõ quan điểm tận dụng tối đa lợi thế một nước còn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, khai thác triệt để thành tựu của cuộc CMCN 4.0, lợi thế thương mại để phát triển nhanh và chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược, có lợi thế cạnh tranh, phát triển công nghiệp CNTT, công nghiệp điện tử là con đường chủ đạo phát triển, công nghiệp chế biến chế tạo là trung tâm, phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá, chú trọng phát triển công nghiệp xanh.
Cũng theo ông Bình, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16 nhằm nâng cao năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0. Sau hơn 1 năm triển khai, kết quả thu được đã có đóng góp tích cực và quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế xã hội của đất nước. “Thực tế cho thấy, việc khai thác đúng đắn và kịp thời những thách thức và cơ hội của cuộc CMCN 4.0 là những là cách thức chung của các quốc gia. Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, thách thức đó ngày càng lớn”, ông Bình chia sẻ.
Nhấn mạnh cuộc CMCN 4.0 mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra sự thay đổi lớn về mô hình kinh doanh bền vững và là cơ hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, ông Bình cho rằng, cuộc cách mạng này còn mang lại niềm vui cho các nước đang phát triển, có thể rút ngắn quá trình công nghiệp hoá bằng cách đi tắt đón đầu, phát triển nhảy vọt lên công nghệ cao hơn. Tuy nhiên, nếu không có cách tiếp cận đúng đắn và bắt kịp trình độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa hơn về công nghệ, tình trạng dư thừa về lao động và sự bất bình đẳng trong xã hội.
Bên cạnh đó, ông Bình cũng cho hay, sự liên kết và gắn kết trong thời đại CMCN 4.0 dẫn tới vấn đề biên giới mềm, quyền lực mềm, an ninh không gian mạng và vấn đề tội phạm công nghệ cao xuyên quốc gia. Điều này đòi hỏi cần có sự ứng phó chủ động và kiểm soát tốt nhất để bảo đảm chủ quyền và an ninh cho người dân và đất nước.
“Xuất phát từ những phân tích trên, Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam nhận thấy cần phải có chủ trương, chính sách mang tính chất tổng thể, đột phá, mạnh mẽ và tạo đột phá hơn nữa để Việt Nam có thể nắm được cơ hội, vượt qua thách thức, chủ động tham gia có hiệu quả vào CMCN 4.0. Diễn đàn này là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa để các vị lãnh đạo Việt Nam lắng nghe ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế, giúp cho việc hoạch định chủ trương, chính sách Quốc gia trong thời gian tới. Sự kiện này cũng hướng đến mục tiêu tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về CMCN 4.0”, ông Bình nói.
Mở đầu chuỗi chuyên đề của Diễn đàn, phiên Diễn đàn cấp cao với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0” do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình chủ trì, tập trung trao đổi về thực trạng triển khai và ứng dụng các công nghệ của công nghiệp 4.0 tại Việt Nam; đề cập đến một số xu hướng nổi bật về công nghiệp 4.0; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và đưa ra ra một số khuyến nghị chính sách cho Việt Nam nhằm nâng cao năng lực tiếp cận CMCN 4.0.
Theo chương trình Diễn đàn, chiều nay, sẽ diễn ra 4 phiên hội thảo chuyên đề về: Những xu hướng lớn của cuộc CMCN 4.0: Nhận diện tác động và khuyến nghị đối với Việt Nam; Xây dựng đô thị thông minh bền vững trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0; Phát triển nền sản xuất thông minh: Tầm nhìn và giải pháp công nghệ; Bước tiến mới trong ngành Tài chính - Ngân hàng trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0. trước đó, chiều qua, ngày 12/7, phiên hội thảo chuyên đề 5 - Tầm nhìn và giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh bền vững đã được tổ chức.
Song song với Diễn đàn cấp cao là Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 có quy mô gần 50 gian hàng. Triển lãm quy tụ sự tham gia của các tập đoàn công nghệ hàng đầu như VNPT, Viettel, FPT, CMC... với nhiều giải pháp công nghệ hiện đại như: hệ thống sản xuất tích hợp CIM, nhà máy thông minh, công nghệ nano, năng lượng tái tạo, công nghệ robot, nhà thông minh, công nghệ blockchain, Fintech, ảo hóa, xác định nguy cơ bảo mật, công nghệ xác thực…
Một trong những điểm nhấn của sự kiện là sự xuất hiện ấn tượng của Sophia – robot đầu tiên được cấp quyền công dân trên thế giới. Ban tổ chức phối hợp với UNDP đưa robot Sophia, quán quân sáng tạo của UNDP tới tham gia tương tác tại Diễn đàn. Vị công dân đặc biệt này đã trả lời một số câu hỏi liên quan đến vấn đề phát triển bền vững và tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất của thế giói nói chung và Việt Nam nói riêng.