- Tổ chức nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG) cho rằng, Trung Quốc cần một “chính sách nhất quán” về Biển Đông nếu muốn giải quyết tranh chấp. ICG cảnh báo “do xung đột nhiệm vụ” và “thiếu phối hợp” giữa các cơ quan Trung Quốc đã làm dấy lên căng thẳng trong khu vực.

Các tàu Philippines và Trung Quốc đối đầu nhau trong suốt hai tuần qua ở một bãi đá ngầm xa xôi thuộc Biển Đông mà cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền. Trong khi đó, cuộc tập trận chung hàng năm giữa Mỹ và Philippines vẫn đang tiếp tục diễn ra trong khu vực.

Khi tranh cãi ở Biển Đông là một vấn đề lâu dài, thì số lượng các vụ đụng độ tranh chấp hàng hải “đã gia tăng đáng kể” trong những năm gần đây, theo ICG. “Nó dẫn tới quan ngại rằng, các bên liên quan sẽ trở nên quả quyết hơn trong vấn đề tranh chấp, gây nguy hiểm cho ổn định khu vực”, ICG nhấn mạnh.

Hai tàu hải giám Trung Quốc ở bãi đá ngầm Scarborough. Ảnh: Reuters

Theo tổ chức trên, ở Trung Quốc, rất nhiều cơ quan chính phủ sử dụng vấn đề tranh chấp để tăng cường sức mạnh và ngân sách của mình. Các đề xuất lặp đi lặp lại về “một cơ chế tập trung hơn” đã không được đáp ứng, Bộ Ngoại giao thì “không có thẩm quyền hoặc tài nguyên để quản lý những người chơi khác”.

ICG cho biết: ''Ngày càng có nhiều nguy cơ xung đột trực tiếp hơn nằm ở việc có số lượng ngày càng lớn các tàu thực thi pháp luật và bán dân sự gia tăng vai trò trong những vùng lãnh thổ tranh chấp mà không có khuôn khổ pháp lý rõ ràng”.

Nghiên cứu của ICG dựa trên việc phỏng vấn các quan chức, nhà nghiên cứu, nhà ngoại giao, báo chí và các chuyên gia trong lĩnh vực ngư nghiệp, du lịch, dầu khí đến từ Trung Quốc, Đông Nam Á, Đài Loan, Nhật Bản và Mỹ.

Cảnh báo

Biển Đông - vùng biển được tin là giàu trữ lượng dầu và khí, nguồn cá và có những tuyến vận chuyển quan trọng nhất thế giới - là nơi diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á như Brunei, Malaysia, Việt Nam và Philippines. Trong đó, Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền lớn nhất bao trùm hầu hết vùng biển, kể cả những khu vực ngay sát bờ biển của nước khác.

Vụ đụng độ mới nhất xảy ra ở Biển Đông là giữa Trung Quốc và Philippines về chủ quyền bãi đá ngầm Scarborough. Tàu chiến Philippines đã phát hiện ra 8 tàu cá Trung Quốc ở bãi đá ngầm khi đi tuần tra khu vực vào ngày 8/4.

Manila cho hay, khi hải quân Philippines lên tàu cá Trung Quốc thì phát hiện một số lượng lớn các sinh vật hàng hải bị đánh bắt trái phép. Lập tức sau đó, Trung Quốc đã điều động hai tàu hải giám ra bãi đá ngầm, ngăn không cho Philippines bắt giữ ngư dân Trung Quốc.

Theo bản đồ mà hải quân Philippines cung cấp cho báo chí, điểm đất liền gần nhất của Trung Quốc với bãi Scarborough là tỉnh Hải Nam cũng cách phía tây bắc bãi đá ngầm đến 1.200km. Trong khi đó, bãi đá này chỉ cách đảo Luzon của Philippines khoảng 230km.

Các nỗ lực giải quyết đụng độ đã không thành công. Tàu chiến Philippines sau đó được thay thế bằng tàu phòng vệ bờ biển, và các tàu cá Trung Quốc đã rời khỏi khu vực nhưng hai tàu hải giám vẫn còn ở lại.

Trung Quốc gần đây cũng thể hiện sự bất mãn với cuộc tập trận quân sự hàng năm giữa Mỹ và Philippines sẽ kéo dài tới 27/4. Tập trận năm nay tổ chức ở ngoài khơi Palawan, gần khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông, với sự tham gia của khoảng 7.000 người bao gồm hơn 4.000 lính Mỹ.

Hôm thứ bảy, tờ báo chính thức của quân đội Trung Quốc đã đăng bài bình luận chỉ trích Mỹ “can thiệp”. "Bất cứ ai từ lâu cũng nhìn thấy rõ ràng rằng, đằng sau những cuộc tập trận kiểu này là sự phản ánh tâm lý dẫn dắt vấn đề Biển Đông đi vào con đường hướng tới đối đầu quân sự và phân tranh thông qua lực lượng vũ trang”, bài bình luận cho biết.

Trả lời cho câu hỏi liệu Mỹ sẽ cung cấp các hỗ trợ trong tình huống lực lượng vũ trang Trung Quốc tấn công các đơn vị Philippines xung quanh xung đột chủ quyền với bãi đá ngầm Scarborough, tướng Duane Thiessen, chỉ huy lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ ở Thái Bình Dương nói: "Mỹ và Philippines có một hiệp ước phòng thủ chung để đảm bảo rằng, chúng tôi sẽ tham gia vào việc phòng thủ của bên còn lại".

Ông khẳng định: "Không có liên hệ giữa bãi đá ngầm Scarborough và động thái của Mỹ ở Thái Bình Dương".

Thái An (theo Reuters, BBC)