Nhằm nghiên cứu, tổng hợp phân tích, tuyên truyền thúc đẩy việc sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng chuyển ngành phân bón và vật tư nông nghiệp từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất hợp lý để khấu trừ thuế các nguyên vật liệu đầu vào và tăng thuế xuất khẩu ngành phân bón và vật tư nông nghiệp; đồng thời đề xuất các giải pháp, hoàn thiện chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp, ngày 07 tháng 12 năm 2023 tại Hà Nội, Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo: “Vai trò của chính sách thuế trong sự phát triển của thị trường vật tư nông nghiệp Việt Nam”.
Theo phân tích, nhóm vật tư nông nghiệp là một trong những ngành nghề quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam và không ngừng phát triển trong nhiều năm qua, đó là các sản phẩm đầu vào của sản xuất nông nghiệp, bao gồm giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học, chất xử lý, cải tạo môi trường trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Trong đó, phân bón là loại vật tư nông nghiệp quan trọng số 1 đối với sản xuất nông nghiệp, bởi chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành của trồng trọt, trong khi ngành trồng trọt hiện đang chiếm từ 64-68% trong tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp.
Theo số liệu của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2023 cả nước xuất khẩu 942.576 tấn phân bón các loại, tương đương 391,05 triệu USD; giảm 15% về khối lượng, giảm 45,8% về kim ngạch và giảm 36,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia, chiếm trên 36% tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu, tiếp theo là thị trường Malaysia và Hàn Quốc.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cùng nhau đưa ra các ý kiến, cùng thảo luận về thực trạng của Nông nghiệp Việt nam nói chung và ngành vật tư nông nghiệp nói riêng khi áp dụng các chính sách thuế, cơ hội cho nông nghiệp Việt Nam khi hội nhập kinh tế quốc tế và những ưu đãi về chính sách thuế mang lại từ các FTA, đưa ra đề xuất điều chỉnh, tái xây dựng chính sách thuế đối với thị trường vật tư nông nghiệp Việt Nam…
TS. Bùi Thị Mến, Học viện Ngân Hàng cho biết, nhìn chung, vật tư nông nghiệp đều thuộc đối tượng được áp dụng thuế GTGT thấp hơn so với mức thuế suất phổ biến tại Việt Nam (10%), trong đó chủ yếu là các đối tượng thuộc trường hợp không chịu thuế GTGT như giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi… Quy định thuế đã có nhiều thay đổi nhằm khuyến khích phát triển hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu dùng và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn các trường hợp vướng mắc và câu hỏi được đặt ra trong thực thi văn bản pháp luật thuế đối với nhóm sản phẩm, vật tư nông nghiệp. Mặc dù vậy, các ý kiến sửa đổi luật (nhất là áp dụng thuế GTGT đối với một số vật tư nông nghiệp thay vì không chịu thuế như hiện nay) nên được xem xét toàn diện ở các mặt. Việc áp dụng thuế (kể cả ở mức thấp) có thể tạo ra cơ chế khấu trừ, hoàn thuế đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp (phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật v.v.) nhưng cũng có có thể ảnh hưởng tăng giá đầu vào của nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến nông dân, nông trại và các hợp tác xã nông nghiệp.
Cũng tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thuỳ Dương, Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc Dân cho rằng: Với các mặt hàng vật tư nông nghiệp là phân bón và thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản nên có sự đối xử về thuế khác nhau. Mặt hàng thức ăn chăn nuôi và thức ăn thuỷ sản vẫn nên đưa vào diện không chịu thuế trong bối cảnh Việt Nam đang muốn ưu tiên tạo thuận lợi cho nông dân. Nếu chính phủ theo đuổi mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu thức ăn chăn nuôi từ bên ngoài thì có thể xem xét hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước bằng cách cho phép khấu trừ VAT đầu vào…