Cơ quản quản lý gặp nhiều thách thức khi xây dựng chính sách quản lý tiền ảo. |
Đây là những nhận định được nêu ra trong báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện Quyết định 1255 ngày 21/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo và những đề xuất, kiến nghị.
Báo cáo đánh giá được tổng hợp kết quả thực hiện từ các bộ, ngành được Chính phủ giao nhiệm vụ triển khai gồm các Bộ: Tư pháp, Tài chính, TT&TT, Công an và NHNN.
Theo đánh giá, sau khoảng thời thực hiện của các Bộ, ngành, một số vướng mắc đã phát sinh khi hoàn thiện khung pháp lý để quản lý tiền ảo.
Trước tiên là việc thiếu nhiều quy định pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo. Một số quy định chưa rõ ràng, nhận thức còn khác nhau nên việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung pháp luật phòng, chống rửa tiền liên quan đến tiền ảo gặp khó khăn khi quy định các nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo, tiền ảo là đối tượng báo cáo theo pháp luật phòng, chống rửa tiền; việc xác định cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý các nhà cung cấp dịch vụ tiền ảo.
Đến nay, pháp luật nội dung là văn bản quy phạm pháp luật về tiền ảo chưa được ban hành nên Bộ Tư pháp chưa có cơ sở để đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hành chính liên quan đến tiền ảo. Bộ Công an cũng chưa có cơ sở để đề xuất biện pháp phòng chống, xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động này.
Cũng theo đánh giá của Bộ Tư pháp, từ khi ban hành Quyết định 1255 đến nay, tình hình liên quan đến tiền ảo trên thế giới ngày càng phát triển nhanh. Những vấn đề mới được đặt ra như Fintech, dự án đồng Libra (Diem) của Facebook hay sự phát triển của các đồng tiền kỹ thuật số do Ngân hàng trung ương phát hành (CBDC)… là thách thức không nhỏ đối với cơ quan chức năng Việt Nam.
Công tác nghiên cứu nhằm đề xuất khung khổ pháp lý về các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa đối mặt với thách thức. Trước tiên là sự phức tạp về tài sản mã hóa cũng như công nghệ nền tảng của tài sản mã hóa hay phạm vi ảnh hưởng rộng lớn của loại tài sản này.
Lĩnh vực tiền ảo đang là thách thức ở quy mô toàn cầu, các quốc gia vẫn trong quá trình hoàn thiện khung pháp lý. Do đó, Bộ Tư pháp cho rằng đây là vấn đề mới và cần có thêm thời gian nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế để áp dụng phù hợp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và tình hình thực tiễn của Việt Nam.
Ngoài ra, sự thiếu hụt về nhân lực, nhất là nhân lực chuyên sâu cũng như cơ chế phối hợp thiếu đồng bộ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước hay cơ quan quản lý Nhà nước với khối tư nhân trong công tác nghiên cứu xây dựng chính sách cũng là những vấn đề được đề cập đến.
Theo đó, Bộ Tư pháp đề xuất Chính phủ giao các bộ, ngành và cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, xây dựng nhiều văn bản trong năm 2021.
Cụ thể, BộTài chính chủ trì lập đề nghị xây dựng Nghị định về huy động vốn qua phát hành tài sản mã hóa (ICO/ITO hay STO) và quản lý sàn giao dịch tài sản mã hóa là chứng khoán theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế và yêu cầu của thực tiễn để trình Chính phủ trong năm 2021. Triển khai những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn giao dịch của các sàn giao dịch tài sản, tiền ảo và nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với tiền ảo.
Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, theo dõi diễn biến việc ứng dụng công nghệ Blockchain của Ngân hàng trung ương các nước, nhất là việc phát hành tiền kỹ thuật số của một số ngân hàng trung ương và sự phát triển của các đồng tiền ổn định (như dự án Libra của Facebook), đề xuất giải pháp phù hợp.
Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, trên cơ sở để xây dựng dự thảo Nghị định trình Chính phủ trong tháng 12/2021 theo hướng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động ngân hàng, đồng thời phòng ngừa, ứng phó để hạn chế tác động tiêu cực. Yêu cầu các ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán tăng cường quản lý các hoạt động liên quan đến tiền ảo.
Bộ Công an chủ trì nghiên cứu đề xuất biện pháp phòng, chống xử lý các vi phạm hình sự liên quan đến tiền ảo. Triển khai những biện pháp phòng ngừa, xử lý hành vi lợi dụng Fintech, tiền ảo để hoạt động vi phạm pháp luật.
Cũng theo đề xuất, Bộ TT&TT sẽ là đơn vị chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Chủ động nghiên cứu, đưa các quy định liên quan đến việc ứng dụng công nghệ Blockchain, phát triển sản phẩm, dịch vụ dựa trên công nghệ Blockchain khi sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành có liên quan và trong xây dựng Chính phủ điện tử; Nghiên cứu xây dựng chiến lược về ứng dụng và phát triển công nghệ Blockchain quốc gia.
Lập đề nghị xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), trong đó tập trung sửa đổi quy định liên quan đến giao dịch điện tử trong Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, trình Chính phủ trong Quý IV năm 2021 và khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử eKYC.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tiền ảo và các phương thức thủ đoạn hoạt động phạm tội liên quan đến tài sản mã hóa, tiền mã hóa để có biện pháp phòng tránh, tăng cường cảnh báo về rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tiền ảo bất hợp pháp cũng là một trong những nội dung quan trọng trong đề xuất nói trên.
Duy Vũ
Lượng truy cập các sàn thương mại điện tử Việt lớn thứ 2 khu vực ASEAN
Theo so sánh lưu lượng truy cập bản đồ thương mại điện tử của Việt Nam với các nước ASEAN do iPrice thực hiện cùng SimilarWeb, AppsFlyer, Việt Nam là thị trường lớn thứ hai trong khu vực chỉ sau Indonesia.