Góp ý cho hội thảo tái cơ cấu công nghiệp, PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Trung ương Đảng, Việt Nam đề nghị cần xây dựng hệ thống chính sách công nghiệp quốc gia Việt Nam, là bộ phận quan trọng trong hệ thống các chính sách kinh tế - xã hội, đảm bảo toàn diện, đồng bộ, phù hợp, hiệu quả; gắn kết với thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ, thông thoáng; hình thành môi trường mới, động lực mới để công nghiệp Việt Nam đạt đến giai đoạn phát triển cao hơn, có trình độ, năng suất, hiệu quả, giá trị gia tăng ngày càng cao.
Đại hội XIII của Đảng xác định: đến năm 2025: Việt Nam có công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2030: Việt Nam phấn đấu có nền công nghiệp hiện đại, dựa trên các yếu tố:
- Phát huy được lợi thế so sánh của từng loại sản phẩm ở từng địa phương nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp, thông qua phát huy cao độ nội lực và hết sức tranh thủ hợp tác quốc tế.
- Kết hợp hài hoà giữa phát triển công nghiệp hướng xuất khẩu và công nghiệp thay thế nhập khẩu trên cơ sở sử dụng những biện pháp bảo hộ hợp lý, có thời gian để bảo đảm công nghiệp phát triển với khả năng cạnh tranh cao, tiến tới xoá bỏ ranh giới giữa hàng xuất khẩu và hàng thay thế nhập khẩu.
- Ưu tiên chuyển dần sang các ngành công nghiệp với công nghệ kỹ thuật cao, công nghiệp có giá trị gia tăng cao. Đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong bản thân ngành công nghiệp theo hướng đi thẳng vào hiện đại, rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực.
- Phát triển công nghiệp phù hợp và gắn chặt với yêu cầu củng cố quốc phòng và an ninh. Tận dụng công nghiệp quốc phòng phục vụ cho mục tiêu kinh tế và ngược lại, có thể huy động lực lượng kinh tế phục vụ cho quốc phòng.
- Phát triển công nghiệp gắn với quy hoạch tổng thể đô thị và bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển công nghiệp nông thôn; đảm bảo giữ gìn giá trị các di sản thiên nhiên, các công trình văn hóa có giá trị của dân tộc.
Chính sách công nghiệp quốc gia là một bộ phận quan trọng trong hệ thống các chính sách kinh tế - xã hội, nhằm tập trung phát triển công nghiệp và thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô; vừa phải đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế cao vừa đảm bảo phát triển ổn định, bền vững và thực hiện công bằng xã hội.
Chính sách công nghiệp quốc gia là một bộ phận hữu cơ của chiến lược, chính sách phát triển đất nước, gắn liền với chính sách phát triển các ngành kinh tế khác, đặc biệt là chính sách thương mại quốc gia, tài chính - tiền tệ, khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp với chiến lược tổng thể phát triển công nghiệp, giữa chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp với chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành kinh tế khác.
Xây dựng chính sách công nghiệp phải đảm bảo khách quan, khoa học; dựa trên điều kiện và yêu cầu thực tế của đất nước; xuất phát từ nhu cầu khách quan, thiết thực của doanh nghiệp trong các lĩnh vực, đánh giá đúng nhu cầu từ khối doanh nghiệp tư nhân, tạo sự cạnh tranh bình đẳng trong ngành công nghiệp.
Các chính sách công nghiệp phải khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất công nghiệp theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; khuyến khích hình thành và phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát huy lợi thế so sánh của các ngành công nghiệp, tạo ra sự phân công chuyên môn hoá và hợp tác hóa trong sản xuất công nghiệp, tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp trên thị trường quốc tế.
Kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp. Tận dụng tối đa lợi thế của nước đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, lợi thế thương mại để phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược, có lợi thế cạnh tranh.
Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào quá trình cạnh tranh, phân công của thị trường mà tạo điều kiện cho thị trường hoạt động lành mạnh thông qua việc ban hành và thực hiện chính sách công nghiệp một cách trọng điểm và có lựa chọn, trong đó theo từng giai đoạn phải tập trung vào một số ngành, một số lĩnh vực công nghiệp ưu tiên theo các bước đi thích hợp. Nhà nước giữ vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế cho phát triển công nghiệp, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh công nghiệp thuận lợi, ổn định, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất trong công nghiệp.
Khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo giữ vị trí then chốt, là khâu đột phá trong chính sách công nghiệp quốc gia; tận dụng hiệu quả lợi thế của nước đi sau trong công nghiệp hóa, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để có cách tiếp cận, đi tắt, đón đầu một cách hợp lý trong phát triển các ngành công nghiệp. Việc lựa chọn các ngành công nghiệp ưu tiên phải khách quan, dựa trên các nguyên tắc, hệ thống tiêu chí rõ ràng, phù hợp với từng giai đoạn công nghiệp hóa của đất nước, phát huy tốt nhất lợi thế quốc gia.
Trong tổ chức thực thi chính sách công nghiệp quốc gia cần chú trọng việc phân công phối hợp giữa các cấp, các cơ quan, tổ chức trên nguyên tắc mỗi đề án, nội dung công việc đều phải có đầu mối cụ thể chịu trách nhiệm, phát huy sự chủ động phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương. Xây dựng các đề án thực hiện cụ thể theo từng giai đoạn và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các dự án.
Hoàng Hiệp (ghi ghép)