Chia sẻ tại ICT Summit 2016, ông Mai Duy Quang, Giám đốc The Founder Institute, Phó Chủ tịch VINASA cho rằng, đối với sự phát triển bền vững và lâu dài của nền kinh tế, việc chú trọng trong cộng đồng khởi nghiệp đnag trở nên hết sức cần thiết.

Theo ông Quang, đặc biệt từ năm 2015, Chính phủ cũng như các cơ quan chuyên môn, bộ ngành cùng giới truyền thông đã rất ủng hộ, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp.

Qua những đề án như việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án 844 "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025", hay việc Chính phủ ra quyết định kịp thời bỏ điều 292 Bộ luật hình sự 2015 (tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông - PV) đã cho thấy Chính phủ đã rất lắng nghe lời kêu gọi của cộng đồng khởi nghiệp.

Việc ban hành Đề án 844 góp phần hỗ trợ các sinh viên, những người làm kỹ thuật… có điều kiện để xây dựng cho mình những doanh nghiệp có giá trị gia tăng cao.

Tuy nhiên, vị Phó Chủ tịch VINASA cho rằng tại Việt Nam, chính sách dành cho khởi nghiệp vẫn cần phải được điều chỉnh để tạo sự thông thoáng, giúp cho các quỹ đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài an tâm hơn. Bởi nếu không có sự thay đổi sẽ dẫn đến không nắm bắt được cơ hội, bỏ lỡ cơ hội.

“Mới đây, có một nhà đầu tư của Mỹ đã phải hoãn một cuộc làm việc với startup trong nước do họ không được vào Việt Nam 2 lần trong vòng 3 tháng. Tức là phải đợi hết 3 tháng mới được vào Việt Nam”, ông Quang chia sẻ.

Trong khi đó, theo chuyên gia này, hiện nay nhiều quốc gia đang đẩy mạnh hỗ trợ startup bằng những chính sách rất thiết thực. Ví dụ tại Úc, Mỹ, Chính phủ các quốc gia này thậm chí còn thiết kế VISA riêng dành cho khởi nghiệp.

Hay ngay trong khối Đông Nam Á, trong khi Thái Lan tạo ra môi trường thuận lợi để nhà đầu tư yên tâm hoạt động thì Việt Nam lại làm chưa tốt. Cùng đó, hiện các nguồn vốn, dòng tiền chảy về startup Châu Á rất nhiều. Như Indonesia, Malaisia… tăng vài trăm phần trăm, nhưng Việt Nam lại tăng rất chậm do chính sách cần thông thoáng hơn.

Liên quan đến câu chuyện chính sách để thu hút các nhà đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam, chung quan điểm với ông Mai Duy Quang, tại hội thảo quốc tế “Tạo dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam - Bài học thực tiễn từ Israel” vừa diễn ra tại Hà Nội hôm 21/9, ông Võ Trần Đình Hiếu, Giám đốc mảng đầu tư công ty tư nhân của Quỹ đầu tư Dragon Capital cũng đã lên tiếng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sớm hoàn thiện thông tư về Qũy Đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo.

Chuyên gia này cho rằng, việc hoàn thiện cơ chế sẽ tháo gỡ vướng mắc trong phương thức đầu tư cho nhà đầu tư mạo hiểm nước ngoài, giúp cho họ dễ dàng sở hữu cổ phần trực tiếp tại doanh nghiệp khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, hành lang pháp lý bảo vệ nhà đầu tư mạo hiểm của Việt nam chưa cao trong khi đầu tư mạo hiểm rủi ro lớn sẽ dễ khiến các nhà đầu tư chùn bước trong quyết định đầu tư vào Việt Nam. Chỉ khi cơ chế được khơi thông mới có thể thu hút được nhiều các nhà đầu tư mạo hiểm sẵn sàng tìm kiếm startup để rót vốn.

Trao đổi thêm tại Vietnam ICT Summit 2016, ông Mai Duy Quang cho hay riêng 6 tháng đầu năm 2016, số lượng và độ lớn của các vòng đầu tư đổ vào cộng đồng startup đang lớn hơn nhiều so với năm 2015, trong đó có những dự án lên tới vài chục triệu USD.

Ông Quang kỳ vọng đến năm 2020, với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội "cất cánh".

Không còn cách nào khác là phải đổi mới tư duy

Trao đổi tại Diễn đàn ICT Summit 2016, ông Nguyễn Bá Ân, Tổng Thư ký Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh nhấn mạnh: trong cuộc cách mạng số - cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ tư duy để quản trị quốc gia, phù hợp với xu hướng phát triển.

“Nếu không thay đổi và thiếu sự quyết tâm, Việt Nam sẽ tụt hậu ngày càng xa do lợi thế về chi phí lao động rẻ ngày càng mất đi, khoảng cách về công nghệ lớn hơn so với các nước phát triển”, ông Ân nói, đồng thời khẳng định phải nâng cao nhận thức từ chính cơ quan hoạch định chính sách, quản lý Nhà nước, phát triển nguồn nhân lực.

Cũng theo chuyên gia này, nên chăng Việt Nam phải có ủy ban đổi mới quốc gia, chương trình đổi mới sáng tạo quốc gia. Phải đổi mới sáng tạo ngay từ trong các bộ, ngành, chính quyền các cấp, doanh nghiệp. Những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM phải là trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước.

Đồng quan điểm, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh, để thúc đẩy phát triển, đổi mới đất nước, không có cách nào khác là đổi mới sáng tạo dựa trên nguồn lực của Việt Nam, phát huy được với lợi thế dân số trẻ, học sinh, sinh viên, giới trẻ đam mê CNTT lớn. Vấn đề tiên quyết là phải thay đổi tư duy của cơ quan quản lý, cách thức quản trị.

Ông Mai Duy Quang tham gia mạng lưới The Founder Institute hoạt động trên hơn 50 quốc gia, với vai trò Giám đốc tại Việt Nam và Thái Lan, hỗ trợ cho các startup Việt Nam trong chương trình TOPICA Founder Institute, gây vốn hơn 15 triệu USD cho top 8 startup với định giá gộp hơn 80 triệu USD từ năm 2011 đến nay, và các startup này đã tạo ra thêm hàng nghìn việc làm cho người lao động trong nước.