Việc Google và Apple áp đặt chính sách độc quyền thanh toánđối với dịch vụ nội dung số trên Google Play Store và Apple Store từ đầu năm 2017 đã khiến doanh nghiệp nội dung số Việt Nam bị sụt giảm doanh thu đáng kể. Vậy chính sách độc quyền thanh toán này quy định thế nào và vì sao nó lại tác động đến các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam, cụ thể là các doanh nghiệp kinh doanh game online.
Các doanh nghiệp kinh doanh game mobile cung cấp game trên hai ứng dụng di động được dựa theo thỏa thuận “mềm” giữa các doanh nghiệp với nhau, thông qua điều khoản chính sách của Google và Apple và chính sách này được họ thường xuyên cập nhật và áp dụng bình đẳng cho toàn thế giới, không phân biệt giữa các nước.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Giám đốc VTC Mobile cho biết, khi Google và Apple chỉ chấp nhận cho người chơi game thanh toán bằng hai loại thẻ Visa và Master, họ áp dụng chính sách bảo vệ khách hàng và nhiều người Việt Nam đã lợi dụng kẽ hở của chính sách này để trục lợi.
Cụ thể, khách hàng Việt Nam sau khi thanh toán trên kho ứng dụng để chơi game, khi vừa thanh toán xong là họ chọn chế độ “Tôi không hài lòng với game này” thì ngay lập tức sẽ được Google trả lại tiền. Như vậy, nhà phát hành không thu được tiền mà ngay cả Google cũng không thu được tiền.
Do đặc điểm người chơi game Việt Nam đa số là giới trẻ nên số lượng người sử dụng thẻ thanh toán quốc tế rất ít. Đa số người sử dụng thẻ quốc tế là giới chuyên ăn cắp (cheater) mã thẻ như trên. Các cheater này sử dụng các kênh quảng cáo trên mạng để rao nạp hộ với tỷ lệ thông thường là 700K nạp được 1 triệu vào trong các game. Đây là một hành động trục lợi trắng trợn mà các nhà phát hành và 2 store đều không thu được tiền.
Theo ông Bảo, số lượng mã thẻ mua bằng thẻ thanh toán quốc tế bị hoàn về chiếm bình quân tới 70%, có game lên tới 90%. Hầu như nhà phát hành không có doanh thu, trong khi phải chi phí rất nhiều tiền để phát triển game cũng như chi phí quảng cáo.
Để ngăn cản cheater lợi dụng, một số nhà phát hành đã buộc phải ra chính sách để game thủ không thể thanh toán được bằng thẻ quốc tế, hoặc khi thấy khách hàng thanh toán bằng thẻ nhiều tiền quá thì sẽ bấm từ chối. Nhưng khi làm như vậy thì những game từ chối khách hàng lại bị Store hạ xuống với lý do từ chối phục vụ khách hàng.
Ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng giám đốc Công ty Thủ Đô Multimedia bổ sung thêm một hình thức trục lợi phổ biến nữa là sử dụng các thẻ tín dụng bị đánh cắp để thanh toán cho game (thẻ Credit chùa). Với những giao dịch này, thậm chí tại biên bản đối soát vào cuối tháng, các đơn vị như Apple, Google vẫn ghi nhận doanh thu là thành công cho nhà phát hành game.
Nhưng khi thanh toán, các giao dịch không hợp lệ sẽ bị loại (ví dụ: bị chủ thẻ khiếu nại bị đánh cắp thông tin và Google, Apple phải trả lại tiền cho chủ thẻ) và lúc đó nhà phát hành game chỉ biết "than trời" vì doanh thu được ghi nhận nhưng không được thanh toán. Có rất nhiều trường hợp khi đến cuối tháng nhà phát hành game mất đến 95% doanh thu vì kho tải không ngăn chặn được việc sử dụng thẻ thanh toán bất hợp pháp. Khi có khiếu nại từ nhà phát hành game, trách nhiệm này lẽ ra thuộc về các đơn vị quản lý kho tải (Apple, Google) nhưng họ chỉ phúc đáp rằng họ chỉ thu được về chừng đó giao dịch hợp lệ và chỉ thanh toán được 5%.
“Đây là một lổ hổng lớn trong khâu thanh toán của Google và Apple. Các doanh nghiệp game Việt không tự bảo vệ được mình nếu như Google và Apple tiếp tục áp dụng chính sách hoàn tiền như vậy. Trước đây khi dùng kênh thanh toán riêng của Việt Nam thì không bị hiện tượng trục lợi như trên”, ông Bảo nói.
Mặc dù Google có cho khách hàng Việt Nam thanh toán bằng tài khoản chính của thuê bao di động, nhưng cách này cũng không thuận tiện vì người chơi game nạp tiền một lúc có khi vài trăm nghìn hoặc vài triệu, tài khoản chính không phải lúc nào cũng có sẵn tiền như vậy. Vì vậy, hầu như kênh thanh toán qua di động cũng không hiệu quả.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, nhiều game của các nhà phát hành tại Việt Nam không lên được các Store vì bị họ nghi ngờ có kênh thanh toán ngoài, hoặc có lên được cũng không có doanh thu. Trong khi đó các game từ nước ngoài tràn vào Việt Nam khá nhiều.
Do đó, mới đây các nhà phát hành đã đề nghị Google và Apple cho tích hợp kênh thanh toán của Việt Nam vào các game của Việt Nam. Vì tại Trung Quốc, Google và Apple cũng đã chấp thuận cho một số kênh thanh toán địa phương. Nếu không cho tích hợp kênh thanh toán riêng Việt Nam, không chỉ nhà phát hành bị thiệt hại và ngay cả Google và Apple cũng không thu được tiền với chính sách thanh toán độc quyền.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hân, chính sách không cho thanh toán bằng các kênh địa phương của Google và Apple tạo ra một sự nguy hiểm rất lớn cho các nhà cung cấp game Việt Nam. Bởi vì có nhiều game có lượt tải lớn, lên đến 1 triệu lượt chẳng hạn, nhà phát hành phải chi phí từ 5-10 tỷ đồng để đầu tư. Hoặc những game ở lâu trên App đã có danh tiếng và được xếp hạng cao rồi, nhưng giờ nếu không bỏ kênh thanh toán riêng ra có nguy cơ bị gỡ khỏi App. Như vậy nhà phát hành sẽ bị thiệt hại rất lớn.
Thêm vào đó, chi phí thanh toán qua cổng của Google và Apple cũng tăng gấp đôi so với kênh thanh toán nội địa. Cụ thể, Google và Apple thu 30% phí, còn đối với kênh thanh toán trung gian hoặc thanh toán qua thẻ cào trước đây chỉ khoảng 15% phí. Ví dụ khách hàng thanh toán 100.000 đồng thì Google và Apple thu 30.000 đồng mà không phải thực hiện nghĩa vụ về thuế cho nước sở tại, trong khi phí thanh toán qua các cổng trung gian trong nước chỉ tầm 15.000 đồng.
Ông Lưu Vũ Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty VTC gọi chính sách độc quyền thanh toán của hai ông lớn là khó khăn từ trên trời rơi xuống cho Tổng công ty VTC, bởi vì hiện nay khối nội dung số mang lại doanh thu lớn nhất cho VTC. Chính sách áp đặt của Googlevà Apple là khó khăn chung của cả ngành nội dung số, chứ không phải khó khăn riêng của VTC. Do đó, ông Hải đề nghị Bộ TT&TT sớm có chính sách để đảm bảo công bằng, cạnh tranh lành mạnh giữa doanh nghiệp nội dung số trong nướcvới các doanh nghiệp quốc tế.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Giám đốc Công ty VTC Intecom cho hay, nếu cứ kéo dài như thế này không biết dịch vụ trên Mobile cầm cự được bao lâu nữa. Trong nửa đầu năm 2017 khối nội dung số của VTC tăng trưởng rất ít, nhất là khối dịch vụ mobile.