Nếu nói Kết luận 08-KL/TU là đòn bẩy kích thích, là ngọn lửa khơi dậy tinh thần đổi mới nếp nghĩ, thay đổi cách làm, tự tin, tự cường vươn lên thoát khỏi đói nghèo, phát triển kinh tế; thì Chỉ thị 12-CT/TU như nguồn năng lượng, tiếp thêm sức mạnh thúc đẩy bà dám nghĩ, dám làm, chung tay xây dựng miền núi tỉnh Kon Tum ngày càng sung túc.
Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc Tây Nguyên với 43 dân tộc sinh sống chiếm hơn 54% dân số toàn tỉnh. Địa bàn sinh sống của các dân tộc chủ yếu là các vùng sâu vùng xa, trình độ dân trí còn hạn chế, vì vậy đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Thời gian qua, với việc tập trung nguồn lực, đồng bộ các giải pháp thực hiện đã tạo điều kiện, sức bật để các vùng đồng bào DTTS nhanh hơn và bền vững hơn; nâng cao đời sống người dân, từng bước rút ngắn khoảng cách về kinh tế- xã hội giữa các địa phương trong tỉnh.
Cùng với các chủ trương, đề án hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Kon Tum đã ban hành và triển khai nhiều chương trình, chính sách đối với đồng bào các DTTS trên địa bàn.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 18/02/2022 đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU “về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với việc xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh” với mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có từ 50% trở lên số thôn (làng) vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn thôn nông thôn mới.
Cùng với đó, tại Chỉ thị số 12-CT/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp hết sức cụ thể để triển khai thực hiện thành công mục tiêu trên, trong đó yêu cầu các cấp, các ngành: (1) thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền, cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, đảm bảo sát hợp với đặc điểm, tình hình ở địa phương mình. Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự tham gia của các tổ chức chính trị-xã hội ở cơ sở; có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao. (2) Nâng cao ý thức, nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân đối với công tác xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, khơi dậy ý chí chủ động, tự lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội; xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng thời, đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh: Lựa chọn 01 thôn (làng) đồng bào dân tộc thiểu số để làm điểm cấp tỉnh về xây dựng nông thôn mới; sau đó rút kinh nghiệm và triển khai ra diện rộng. Nghiên cứu phân bổ, bố trí nguồn lực phù hợp theo phân cấp và khả năng để hỗ trợ các huyện, thành phố xây dựng các thôn (làng) vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới theo kế hoạch.
Hiện, 98% đường xã và đường từ trung tâm xã đến trung tâm huyện được cứng hóa, 100% thôn, làng có điện quốc gia; bình quân tỷ lệ hộ nghèo DTTS giai đoạn 2015-2021 giảm 6,78%/năm; năm 2022, tỷ lệ nghèo toàn tỉnh giảm 4,46%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 90%, hộ gia đình nông thôn là đồng bào DTTS sử dụng nước hợp vệ sinh đạt gần 86%, trẻ DTTS trong độ tuổi vào học tiểu học đạt gần 100%. Trên 96% hộ DTTS có đất ở và khoảng 96,25% hộ DTTS có đất sản xuất. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS được đảm bảo; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và tăng cường…
Tuy nhiên, vùng DTTS của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, kinh tế-xã hội phát triển chậm... Do đó, để tiếp tục tạo chuyển biến căn bản và toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng đồng bào DTTS, hiện nay tỉnh ta đang tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia mà trọng tâm là Chương trình phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn I từ 2021-2025).
Mục tiêu của tỉnh đề ra, đến năm 2025, 100% hộ dân DTTS có đất ở, đất sản xuất; 20% hộ DTTS trở lên tham gia vào hợp tác xã; cơ bản hoàn thành công tác bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, thiên tai sạt lở; 100% thôn, làng có nhà rông truyền thống được sửa chữa, trùng tu định kỳ; trên 90% hộ DTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trên 50% số xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn; giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm vùng đồng bào DTTS và miền núi là 4%.
Để đạt được mục tiêu này, việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững" theo Kết luận số 08-KL/TU ngày 24-02-2021 là một hướng đi đúng đắn.
Bảo Phùng, Giao Linh, Thục Anh, Thu Hằng