Theo nguồn tin của Bloomberg, Didi Global Inc. - hãng gọi xe hàng đầu Trung Quốc - đã tạm hoãn kế hoạch mở rộng sang châu Âu, một phần vì mối lo ngại của chính quyền Bắc Kinh về cách công ty xử lý dữ liệu khách hàng.
Nguồn tin cho biết kế hoạch thách thức Uber Technologies Inc. ở châu Âu, bao gồm một số thành phố của Anh, đã phải tạm dừng. Một số công việc bị cắt giảm. Theo Telegraph, kế hoạch mở rộng của Didi sang châu Âu sẽ hoãn lại trong ít nhất một năm.
"Chúng tôi đã thành lập một trung tâm nhân tài quốc tế ở Anh, nhằm công nhận năng lực xuất chúng của mọi người trên thị trường. Ngoài ra, mọi vấn đề nhân sự vẫn được giữ bí mật", Bloomberg dẫn lời người phát ngôn của Didi.
Người này khẳng định công ty sẽ "tiếp tục khám phá thêm các thị trường mới". Mới đây, Didi đã đưa dịch vụ của mình đến Nam Phi, Ecuador và Kazakhstan.
Sau khi các cơ quan quản lý Trung Quốc siết chặt kiểm soát, Didi Global Inc. - hãng gọi xe hàng đầu đất nước 1,4 tỷ dân - đã tạm hoãn kế hoạch mở rộng sang châu Âu. Ảnh: Reuters. |
Tham vọng chinh phục thị trường nước ngoài
Didi hiện hoạt động trên 16 quốc gia. Nhưng thị trường Trung Quốc vẫn chiếm phần lớn doanh thu. Doanh thu từ các thị trường nước ngoài của công ty chỉ chiếm 1,6% tổng doanh thu.
Gã khổng lồ vận tải Trung Quốc đã cân nhắc triển khai dịch vụ tại các thị trường châu Âu, bao gồm Pháp, Anh và Đức ngay từ nửa đầu năm 2021, theo nguồn tin của Bloomberg. Vào thời điểm đó, công ty bắt đầu tuyển dụng và thành lập một đội ngũ riêng ở châu Âu.
Didi bắt đầu cung cấp dịch vụ gọi xe tại Nga vào năm ngoái và hiện là nhà đầu tư của Bolt Technology OU (có trụ sở ở Estonia). Nếu mở rộng thành công sang châu Âu, gã khổng lồ gọi xe Trung Quốc có thể đánh chiếm thị phần của các đối thủ như Uber và Delivery Hero SE (có trụ sở tại Berlin).
Didi kiểm soát gần như toàn bộ thị trường gọi xe của Trung Quốc và đã có lãi trong quý I/2021. Công ty được SoftBank Group Corp và Tencent Holdings Ltd. rót vốn. Đợt IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của Didi trên sàn Mỹ diễn ra hồi tháng 7 thành công lớn. Công ty bán được 317 triệu cổ phiếu, nhiều hơn khoảng 10% kế hoạch ban đầu.
Gã khổng lồ vận tải Trung Quốc đã cân nhắc triển khai dịch vụ tại các thị trường châu Âu, bao gồm Pháp, Anh và Đức ngay từ nửa đầu năm 2021. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, Didi đã bị cản đường sau khi chính quyền Trung Quốc siết chặt kiểm soát. Điều khiến Didi trở nên có giá đối với các nhà đầu tư giờ trở thành mối đe dọa của Bắc Kinh. Công ty nắm giữ lượng dữ liệu lớn từ nửa tỷ người dùng, chủ yếu tại Trung Quốc.
Hôm 4/7, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc yêu cầu các kho ứng dụng trên điện thoại thông minh gỡ bỏ ứng dụng của Didi sau khi phát hiện công ty thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng bất hợp pháp.
Yêu cầu của Bắc Kinh được đưa ra chỉ hai ngày sau khi cơ quan quản lý buộc Didi ngừng đăng ký người dùng mới và điều tra công khai đối với các hoạt động an ninh mạng của công ty.
Không đủ bù lỗ
Theo tính toán của các nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence, những hạn chế mới có thể kéo tụt tỷ suất lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh của Didi xuống 50%.
Didi cũng thừa nhận động thái của cơ quan quản lý Trung Quốc "có thể tác động bất lợi" đến doanh thu của công ty. Giá cổ phiếu của hãng đã giảm gần 50% kể từ ngày giao dịch đầu tiên hồi tháng 6.
"Quy định mới có thể khiến Didi phải rút lui khỏi những thị trường quốc tế - nơi công ty chưa thu được lợi nhuận và phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực chia sẻ xe", các nhà phân tích viết trong báo cáo.
"Vị thế của Didi trên trường quốc tế tại các thị trường như Australia và châu Âu khá yếu. Chi phí tiếp thị để lôi kéo người dùng từ đối thủ có thể khiến công ty thua lỗ nặng", nhà phân tích Matthew Kanterman và Tiffany Tam nhận định.
"Lợi nhuận trong nước đã giảm đi nhiều và không thể bù đắp các khoản lỗ ở thị trường nước ngoài. Didi có thể phải cân nhắc lại về chiến lược mở rộng sang quốc tế của mình", các nhà phân tích nói thêm.
Theo Nikkei Asian Review, ngoài cuộc trấn áp của chính quyền Trung Quốc, kế hoạch mở rộng sang châu Âu của Didi cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác.
"Anh và châu Âu là những thị trường rất phức tạp để ra mắt dịch vụ gọi xe, chẳng hạn các quy định địa phương như GDPR", nguồn tin của Nikkei Asian Review bình luận, đề cập đến quy định bảo vệ dữ liệu chung của Liêu minh châu Âu.
Theo tờ Times, hồi đầu tháng, các nhà lập pháp Anh cũng kêu gọi giám sát chặt chẽ hoạt động của Didi tại quốc gia này. Họ lo ngại dữ liệu của người dùng có thể vào tay chính quyền Trung Quốc.
(Theo Zing)
Mỹ buộc tội gian lận 6 công ty liên quan đến tỷ phú nhôm Trung Quốc
6 công ty có liên quan đến tỷ phú Trung Quốc Liu Zhongtian vừa bị buộc tội gian lận ở Mỹ vì ngụy tạo các lô hàng nhôm để trốn 1,8 tỷ USD tiền thuế hải quan.