- Dự thảo luật Tổ chức chính quyền địa phương trình hội nghị ĐBQH chuyên trách hôm nay vẫn đưa ra 2 phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương.
Phương án 1, cơ bản giữ nguyên như hiện nay, tất cả các đơn vị hành chính đều có đủ HĐND và UBND.
Phương án này, theo ban soạn thảo, có ưu điểm là bảo đảm tính ổn định, tránh xáo trộn, thể hiện sự thống nhất, đảm bảo có sự kiểm soát quyền lực, chính quyền gần dân, sát dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân... Nhưng phương án này lại không có sự đổi mới mạnh mẽ.
Phương án 2, bỏ HĐND cấp phường ở đô thị, chỉ có UBND phường. Chủ tịch phường sẽ do cử tri của phường bầu trực tiếp hoặc do chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương) bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.
Phương án này có sự đổi mới bước đầu, thể hiện mạnh mẽ đặc điểm của của chính quyền đô thị, nhưng lại dễ dẫn đến nguy cơ chính quyền xa dân, quan liêu, không rõ cơ chế kiểm soát hoạt động của chính quyền phường...
ĐB Trần Du Lịch. Ảnh: Minh Thăng |
Các thảo luận ở hội nghị vẫn xoay quanh việc bỏ hay không HĐND, phần lớn là do việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường đã tổ chức lâu mà chưa có tổng kết, khi thể hiện vào dự thảo luật lại chỉ còn bỏ HĐND cấp phường.
ĐB Tô Văn Tám, Phó đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Kon Tum, nhận định việc thí điểm không đạt được kết quả như mong muốn, nhưng cứ để ngỏ khiến ĐB và nhân dân không có đầy đủ thông tin để tiếp cận vấn đề này.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Hưng Yên thì cho rằng kết quả thí điểm đã rõ ràng: Nó khẳng định ở đâu có cơ quan quyền lực thì ở đó phải có cơ quan giám sát quyền lực.
Phó chủ tịch HĐ Dân tộc Danh Út cũng cho rằng bỏ HĐND không mang lợi ích gì cho quốc gia, làm đảo lộn bộ máy hành chính, không bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân, trong khi tổ chức HĐND và UBND ở tất cả các đơn vị hành chính là đúng với Hiến pháp.
Phó chủ tịch HĐND Hải Phòng Nguyễn Đình Bích thì giải thích tại sao HĐND bị "mang tiếng" là hình thức: Đại biểu HĐND đông nhưng chưa mạnh, còn nặng về cơ cấu, quá nhiều những ĐB "vừa đá bóng vừa thổi còi".
"Có thể giảm số lượng đại biểu HĐND còn 2/3 so với hiện nay, nâng số ĐB chuyên trách lên 15-20 người, giảm số ĐB là thành viên UBND", ông Bình nói.
Ông Bùi Văn Phương, Phó đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Ninh Bình, cũng muốn giảm số ĐB kiêm nhiệm: "Với họ, HĐND là phụ, đến bảo giơ tay thì giơ tay, còn chuyên môn hay thăng tiến của họ là ở công việc chính. Bộ máy như vậy tránh sao được hình thức".
Ngược lại, ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) ủng hộ đổi mới mạnh mẽ: Để dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND phương sẽ đảm bảo người lãnh đạo gần dân, sát dân hơn cả HĐND.
ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) đồng tình: Mô hình cũ có nhiều bất cập hạn chế, nay Hiến pháp đã có độ mở, phải có sự đổi mới về mô hình chính quyền địa phương, nếu không sẽ tiếp tục cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu quả.
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng cho rằng nếu giữ nguyên mô hình như hiện này thì bàn bỏ hay giữ HĐND "đâu có tác dụng gì": Bộ máy hiện nay đang bị chồng chéo chức năng, không rõ ràng giữa trung ương và địa phương, không thể nâng cao chất lượng bộ máy hành chính, không thể tinh giảm biên chế để từ đó nâng lương cho công chức.
"Mô hình nào cho chính quyền địa phương đều phải đạt 2 chức năng. Một là hành pháp, làm bàn tay nối dài của Chính phủ. Đồng thời đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân địa phương. Địa phương cũng phải có thực quyền, có dự địa để phát huy sáng tạo mà không vi phạm pháp luật", ông Lịch nói.
ĐB TP.HCM không chọn phương án nào mà "mạnh dạn đề nghị": Tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp hoàn chỉnh - tỉnh, thành phố và cấp cơ sở, trong đó tăng thực quyền cho cơ sở để thực sự đại diện cho nhân dân.
"Có thể duy trì như hiện nay trong 5 năm để quá độ. Nhưng phải thay đổi thì mới mở ra con đường để cải cách, còn cứ giữ như hiện tại là đóng", ông Lịch nói.
Chung Hoàng