Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bảo đảm bảo đảm hoàn thành việc gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp chính quyền trước ngày 30/6/2020 (Ảnh: Chinhphu.vn) 

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020 mới ban hành, Chính phủ đã dành riêng một mục để chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, thu phạt xử lý vi phạm hành chính và các nghĩa vụ tài chính khác trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo quy định tại Nghị định 45/2020/NĐ-CP và chỉ tiêu tại các Nghị quyết 01/NQ-CP, 02/NQ-CP của Chính phủ.

Đồng thời, thực hiện triệt để việc gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng, bảo đảm hoàn thành việc gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp chính quyền trước ngày 30/6/2020 và chỉ tiêu xử lý hồ sơ công việc (trừ hồ sơ mật) trên môi trường mạng (80% với cấp bộ; 60% với cấp tỉnh và 30% với cấp huyện).

Các Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được yêu cầu trong quý II/2020 hoàn thành việc xây dựng, vận hành Hệ thống thông tin báo cáo của các bộ, cơ quan, địa phương kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ để hình thành Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.

Hệ thống này cần sẵn sàng kết nối, tích hợp dữ liệu nhằm cung cấp thông tin về chỉ tiêu kinh tế - xã hội, các vấn đề phát sinh nổi cộm mà dư luận quan tâm... phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang bộ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sớm ban hành mẫu kết quả thực hiện thủ tục hành chính điện tử thuộc thẩm quyền quản lý của bộ, ngành mình. Đây là cơ sở cho việc cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử thống nhất trên toàn quốc, theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 30 ngày 5/3/2020 về công tác văn thư và bảo đảm triển khai Nghị định 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Theo đánh giá của Bộ TT&TT, cơ quan giữ vai trò đầu mối điều phối các nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử, trong 4 tháng đầu năm 2020, việc triển khai Chính phủ điện tử nói chung và Nghị quyết 17 nói riêng tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai, đạt được một số kết quả nổi bật.

Cụ thể, Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để phát triển Chính phủ điện tử. Tại các bộ, ngành, địa phương, công tác chỉ đạo, điều hành phát triển Chính phủ điện tiếp tục được quan tâm. Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp để hạn chế tiếp xúc.

Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, các nhiệm vụ xây dựng nền tảng phát triển Chính phủ điện tử cũng được thúc đẩy. Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 được ban hành. Đồng thời, đã xác định rõ nguồn vốn xây dựng CSDL quốc gia về Dân cư, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án CSDL quốc gia về Dân cư.

Đáng chú ý, thời gian qua, an toàn, an ninh mạng tiếp tục được cải thiện. Số sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2020 đã giảm 51,4% so với 4 tháng đầu năm ngoái.

Riêng với việc gửi nhận văn bản điện tử, theo thống kê, từ ngày 12/3/2019 đến ngày 17/4/2020, có tổng số 387.377 văn bản điện tử gửi và 1.281.574 văn bản điện tử nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Các đơn vị đã gửi, nhận văn bản điện tử không kèm bản giấy theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và theo danh mục tại văn bản 775 ngày 4/2/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Ngày 23/3/2020, Bộ trưởng Bộ TT&TT ký Quyết định 395 ban hành Hướng dẫn sử dụng mã định danh văn bản và Bộ tiêu chí về chức năng, tính năng kỹ thuật trong xây dựng hệ thống quản lý văn bản và điều hành phiên bản 1.0.

Với hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet), từ ngày 24/6/2019 đến ngày 18/4/2020, hệ thống đã phục vụ 14 hội nghị, phiên họp của Chính phủ (các đại biểu sử dụng tài liệu điện tử thay thế việc in ấn, sao chụp hơn 47.000 tài liệu giấy). Đồng thời, xử lý 305 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ thay thế việc phát hành 48.490 phiếu giấy, hồ sơ, tài liệu kèm theo. Hệ thống đang tiếp tục được hoàn thiện, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu xử lý công việc trên môi trường mạng.

Vân Anh