Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và cung cấp các sản phẩm công nghệ số như thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực. Bênh cạnh đó, Chính phủ vừa yêu cầu Bộ TT&TT tuyên truyền rộng rãi và có hiệu quả các sản phẩm, giải pháp công nghệ số Make in Viet Nam, khuyến nghị các tổ chức, doanh nghiệp và người dân sử dụng. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về những kết quả, thành công trong phòng, chống dịch Covid-19, những giải pháp, chính sách phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, tạo khí thế mới thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhận định chuyển đổi số là cơ hội cho Việt Nam, nhưng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, để tận dụng tốt nhất được cơ hội đó, Việt Nam cần phải có tư duy vượt lên chính mình, phải sẵn sàng thay đổi những thói quen, những nếp nghĩ từ trước đến nay chúng ta vẫn quen. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam dù được đánh giá là phát triển nhanh so với khu vực và thế giới nhưng do xuất phát của chúng ta thấp nên cần phải phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý, chúng ta không quên 2 điểm, thứ nhất là cơ hội đối với Việt Nam thì cũng là cơ hội cho tất cả các quốc gia, dân tộc khác. Ngoài ra, trong cuộc đua tranh trong hợp tác ngày nay, cơ hội đó nếu không được tận dụng tốt sẽ biến thành thách thức.
Điểm thứ hai Phó Thủ tướng lưu ý, đây không phải lần đầu tiên CNTT mang đến cơ hội cho Việt Nam. “Nhìn lại từ những năm 90, những người làm CNTT nhiều tuổi đều biết rằng khi đó chúng ta đã từng nói về kỷ nguyên số, kỷ nguyên thông tin và cả về chuyển đổi số, kinh tế tri thức, Chính phủ điện tử. Bây giờ chúng ta nói về chuyển đổi số, suy cho cùng yếu tố cốt tử là ứng dụng CNTT để tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho mỗi doanh nghiệp, hiệu quả lớn hơn cho mỗi tổ chức và mang lại cơ hội lớn hơn cho mỗi người dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 25/3, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng vừa ký ban hành Chỉ thị phát động Cuộc vận động ứng dụng công nghệ Việt cho cuộc sống số. Theo chỉ thị này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ số để tạo lập môi trường làm việc số để thiết lập, duy trì môi trường làm việc liên tục, mọi lúc, mọi nơi. Trước mắt, ưu tiên phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ phục vụ cho các cuộc họp, hội nghị trực tuyến; Văn phòng làm việc trực tuyến; Quản trị số và công cụ giao tiếp số.
Chỉ thị nhấn mạnh, trước mắt, ưu tiên phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ nhằm hỗ trợ Chính phủ, toàn dân phòng, chống dịch bệnh, tư vấn sức khỏe cho người dân, cộng đồng, giải pháp y tế từ xa để giảm tải cho các cơ sở khám chữa bệnh.
Bộ trưởng Bộ TT&TT còn chỉ đạo phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ số phục vụ nhu cầu học tập. Trong đó, ưu tiên phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ lớp học thông minh; Học tập trực tuyến; Thư viện, kho học liệu số và các giải pháp đổi mới như thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường, thúc đẩy sáng tạo, tăng tính sinh động trong giảng dạy, học tập.
"Phải phát triển hệ thống tiện ích số phục vụ nhu cầu sinh hoạt và giải trí của người dân nhằm duy trì hoạt động của các cơ sở cung ứng dịch vụ thiết yếu cho người dân cũng như hỗ trợ nhu cầu giải trí, tìm hiểu văn hóa trên môi trường mạng. Trong đó ưu tiên các dịch vụ mua sắm trực tuyến, quản lý nhà thông minh; Dịch vụ sửa chữa thiết bị gia dụng, thông tin tình trạng giao thông, cảnh báo nguy cơ…", Chỉ thị này nêu rõ.
Chỉ thị cũng đề cập đến vấn đề vận động phát triển các nền tảng hỗ trợ giao vận hàng hóa trong hoạt động thương mại điện tử. Trước mắt, ưu tiên phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ hỗ trợ việc vận chuyển hàng hóa từ nơi cung ứng đến nơi tiêu dùng qua các giao dịch thương mại điện tử.
Trong lĩnh vực sản xuất, phát triển các nền tảng, ứng dụng hỗ trợ nhà máy thông minh giúp chuyển đổi từ hệ thống sản xuất tự động hoá truyền thống sang hệ thống sản xuất số. Trước mắt, ưu tiên phát triển các nền tảng, ứng dụng hỗ trợ kiểm soát chất lượng, tự động hoá sản xuất thông qua việc kết hợp các công cụ như người máy, thiết bị bay không người lái và các cảm biến IoT.
Bộ TT&TT yêu cầu cần phải phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ số sử dụng phương tiện thanh toán trực tuyến, thanh toán qua tài khoản viễn thông di động, ngân hàng số để thúc đẩy thương mại điện tử, cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng nêu vấn đề phát triển cộng đồng hỗ trợ chuyển đổi số Việt Nam. Theo đó, tập hợp các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam để hình thành nên cộng đồng đông đảo thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi từ mô hình làm việc tại văn phòng truyền thống sang mô hình làm việc trên môi trường số, không tiếp xúc; nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ số cho người Việt; tạo ra các cơ hội việc làm mới nhờ vào công nghệ số.
Bộ trưởng Bộ TT&TT kêu gọi toàn thể cộng đồng công nghệ Việt Nam đồng lòng, chung tay, nhanh hơn nữa, sáng tạo hơn nữa thực hiện công cuộc chuyển đổi số, khởi tạo cuộc sống số, tạo ra động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.