Cùng với đó, Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ TN&MT hướng dẫn triển khai cơ sở dữ liệu đất đai tại các địa phương để tích hợp thành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.
Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia là một trong những cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử song hiện nay đang bị chậm tiến độ (Ảnh minh họa: Internet) |
Cũng trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10/2019 mới ban hành, Chính phủ chỉ đạo Bộ TT&TT tiếp tục đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện các nhiệm vụ đã nêu tại Nghị quyết số 17 của Chính phủ về “Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025” theo kế hoạch.
Liên quan đến việc triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử trong đó có cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, tại phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV vào ngày 8/11 vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay có khoảng 5 cơ sở dữ liệu dùng chung mang tính nền tảng quốc gia thì 3 cơ sở dữ liệu đã tương đối ổn, còn 2 cơ sở dữ liệu đang bị chậm tiến độ là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.
Trong đó, với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, tháng 10/2019 vừa qua, ông đã trực tiếp làm việc với Thứ trưởng Bộ Công an phụ trách về dự án này.
“Lãnh đạo hai Bộ đã bàn bạc và tìm ra được một giải pháp và cách thực hiện. Hiện nay, dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được phê duyệt, đã được đưa vào dự án đầu tư công trung hạn và bắt đầu có ngân sách. Trên thực tế, dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được Bộ Công an triển khai, hiện có 75 triệu dữ liệu người dân đã được quét, đưa lên mạng và đưa vào trong hệ thống. Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ tích cực. Chúng tôi đặt mục tiêu cố gắng đến năm 2020 dự án cơ sở dữ liệu về dân cư sẽ cơ bản hoàn chỉnh”, Bộ trưởng cho hay.
Đối với cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng trực tiếp làm việc với Bộ trưởng Bộ TN&MT và đã tìm ra một giải pháp. Trước đây, chúng ta nghĩ nó là một dự án rất lớn. Hiện nay, tư duy theo hướng làm thành “1+ 63”, tức là có 63 địa phương và có phần tập trung.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ về tiến độ của dự án: “Năm nay sẽ làm xong thiết kế sơ bộ, xong tiêu chuẩn kết nối và một số nền tảng để đến đầu năm 2020 là cả 63 tỉnh và các cơ quan Bộ, cơ quan Trung ương sẽ triển khai đồng loạt”.
“Tôi nghĩ rằng đây cũng là một kinh nghiệm tốt. Đó là khi gặp một vấn đề chậm trễ hoặc những lúc khó khăn cần phải có sự vào cuộc trực tiếp của người đứng đầu”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Với vai trò thường trực Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, trung tuần tháng 10/2019, Bộ TT&TT đã phê duyệt kế hoạch tổ chức triển khai các nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử đến 2020.
Kế hoạch nhằm xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ để Bộ TT&TT tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ về “Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2025” và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng, triển khai kế hoạch phát triển Chính phủ điện tử đồng bộ, hiệu quả trên phạm vi cả nước.
Tại kế hoạch này, Bộ TT&TT đã xác định 3 nhóm nội dung công việc sẽ tập trung triển khai trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, bao gồm: Theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu nêu trong Nghị quyết 17; Thực hiện các nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử của Bộ TT&TT; Theo dõi, đôn đốc, đánh giá tổng thể việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Nghị quyết 17, định kỳ hàng quý báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết này.
Ba nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong kế hoạch của Bộ TT&TT gồm có: Xác định tỉnh điểm, bộ điểm để tổ chức triển khai điểm về Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, trên cơ sở đó nhân rộng mô hình thành công cho các bộ, địa phương trên toàn quốc; Hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương xây dựng, thực hiện kế hoạch Chính phủ điện điện tử đến năm 2020; tổ chức làm việc với các bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.