Đó là một trong những nội dung đáng chú ý trong Tờ trình về việc điều chỉnh dự toán vốn vay lại năm 2024 của các địa phương vừa được Chính phủ gửi Quốc hội.
10 địa phương gồm: Yên Bái, Điện Biên, Lạng Sơn, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Trà Vinh.
Tờ trình nêu rõ, tại Nghị quyết số 105/2023/QH15 về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024, Quốc hội đã quyết nghị tổng dự toán vay của các địa phương năm 2024 là 30.619 tỷ đồng, trong đó, dự toán vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ là 14.716 tỷ đồng. Tính đến ngày 10/7, có 26 địa phương đề nghị điều chỉnh dự toán vốn vay lại.
Để tạo điều kiện cho các địa phương sử dụng được tối đa nguồn vốn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho các địa phương năm 2024, Chính phủ trình Quốc hội tăng dự toán vay lại của 7 địa phương gồm: Quảng Bình, Tây Ninh, Bạc Liêu, Bến Tre, Long An, Sóc Trăng, Vĩnh Long.
Đồng thời điều chỉnh giảm 406,035 tỷ đồng dự toán vốn vay lại của 12 địa phương gồm: Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Trà Vinh.
Với mức điều chỉnh như trên, tổng mức vay và mức bội chi của ngân sách địa phương vẫn nằm trong hạn mức đã được Quốc hội phê duyệt. Cụ thể, tổng hạn mức vay của các địa phương là 30.573 tỷ đồng, giảm 46 tỷ đồng so với phương án dự toán năm 2024 đã được Quốc hội thông qua; số bội chi ngân sách địa phương là 26.454 tỷ đồng, giảm 46 tỷ đồng; không địa phương nào vượt hạn mức dư nợ được phép theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.