Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sử dụng iPad nhấn nút ký ban hành Nghị quyết 44 về đề nghị xây dựng Nghị định quy định định danh và xác thức điện tử (Nguồn ảnh: Chinhphu.vn). |
Trong Nghị quyết mới ban hành, Chính phủ đã giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị định về định danh và xác thực điện tử, trình Chính phủ trong tháng 9/2019.
Trước đó, trong Nghị quyết mới của Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử được ban hành ngày 7/3/2019, Chính phủ đã xác định rõ, việc “xây dựng Nghị định về định danh và xác thực điện tử cho cá nhân, tổ chức, các văn bản hướng dẫn, hoàn thành trong tháng 9/2019” là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử.
Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ trên Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) diễn ra hôm nay, ngày 24/6/2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, hồ sơ dự thảo Nghị quyết về đề nghị xây dựng Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử do Bộ TT&TT chủ trì trình Chính phủ, với mục tiêu xây dựng chính sách là tạo cơ sở pháp lý cho quản lý, cung cấp và sử dụng định danh điện tử và dịch vụ xác thực điện tử, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cho giao dịch điện tử, nâng cao hiệu quả sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia và các Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp Bộ, cấp tỉnh và đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử.
Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, có 2 nhóm chính sách chính gồm: quy định hình thức định danh và xác thực điện tử để tạo hành lang pháp lý cho các hình thức định danh và xác thực điện tử; quy định việc cung cấp, sử dụng dịch vụ định danh và xác thực điện tử để đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, sử dụng các công nghệ phù hợp, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, đồng thời quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm khi sử dụng định danh điện tử và dịch vụ xác thực điện tử.
Trong quá trình xây dựng, Bộ TT&TT đã xin ý kiến của 29 bộ, cơ quan và 63 tỉnh, thành phố; xin ý kiến rộng rãi của người dân trên Cổng thông tin điện tử. Bộ TT&TT cũng đã lấy ý kiến thẩm định, tiếp thu giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. “Như vậy, đã đủ điều kiện để xin ý kiến thành viên Chính phủ”, ông Mai Tiến Dũng cho hay.
Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ thông tin thêm, toàn bộ hồ sơ tài liệu dự thảo Nghị quyết về đề nghị xây dựng Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử đã được gửi trước đến các thành viên Chính phủ qua hệ thống e-Cabinet. Các thành viên Chính phủ đã tham gia ý kiến, thể hiện sự đồng thuận cao và đến nay không còn ý kiến khác nhau.
Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ qua hệ thống e-Cabinet, 25/27 thành viên Chính phủ đã biểu quyết đồng ý thông qua dự thảo Nghị quyết về đề nghị xây dựng Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử, trong đó có 5 thành viên Chính phủ thực hiện biểu quyết từ xa. Với kết quả này, Văn phòng Chính phủ đã làm thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị quyết và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã sử dụng iPad để ký ban hành Nghị quyết 44 về đề nghị xây dựng Nghị định quy định định danh và xác thức điện tử.
Cũng trong sáng nay, ngày 24/6/2019, ngay trước phiên họp Chính phủ để cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về đề nghị xây dựng Nghị định quy định định danh và xác thực điện tử, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức lễ khai trương, đưa vào hoạt động Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet).