Chính phủ điện tử là cầu nối hai chiều để Chính phủ bám sát nhu cầu, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp (Ảnh minh họa: M.Quyết) |
Ông Craig Chittick, nguyên Đại sứ Australia tại Việt Nam cách đây 3 năm có hỏi tôi: “Thế thì chính xác ra Chính phủ điện tử ở Việt Nam là gì?”. Để dễ hiểu, tôi có đưa ra ví dụ về các dịch vụ công trực tuyến của Bộ Y tế, tại thời điểm đó đã làm mức độ 4 và nhận được thư cảm ơn của nhiều cơ quan nước ngoài vì đã giúp thực hiện thủ tục nhanh chóng và minh bạch. Craig nói: “Dịch vụ công trực tuyến là quan trọng nhưng cái đó thì chúng tôi làm lâu rồi và hiện nay có những vấn đề còn quan trọng hơn rất nhiều”.
Tôi lại lấy ví dụ ứng dụng Góp ý của Thành phố Đà Nẵng khi người dân, du khách có thể góp ý bất cứ việc gì thông qua chiếc điện thoại di động và demo cho ông xem, lần này thì ông Craig thấy thuyết phục hơn và nói: “Cái này thì Úc cũng cần mà chưa có”.
Chúng tôi tiếp tục trao đổi từ kỹ thuật công nghệ như làn sóng CMCN 4.0 sẽ thế nào đến nghiệp vụ như Chính phủ kiến tạo là gì hay đến việc nhà ông ở Lý Thường Kiệt bị ô nhiễm âm thanh nghiêm trọng, khi đó ô nhiễm môi trường còn chưa đáng báo động như bây giờ. Rồi chúng tôi quay lại chủ đề Chính phủ điện tử, và chúng tôi cùng nhất trí: Chính phủ điện tử cuối cùng cũng là một phương tiện để nâng cao năng lực quản trị đất nước của một hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân như trong việc phản hồi góp ý là rất tốt, tuy nhiên bản thân Chính phủ cần phải thực sự chuyển đổi năng lực của mình theo định hướng minh bạch, hiệu quả và có trách nhiệm giải trình (hiệu lực), điều này đúng cho mọi quốc gia.
Chính phủ điện tử: Giải pháp chuyển đổi năng lực hệ thống
Việc trên nghe ra không có gì mới nhưng hãy cùng hình dung sự phức tạp của vấn đề này thông qua một vài con số. Nếu nhìn toàn bộ Chính phủ Việt Nam như một tổ chức thì tổ chức này có khoảng 250.000 biên chế chính thức và trả lương cho hơn 2 triệu người. Tổ chức này có hơn 143 000 tổ chức con trải dài trên 63 tỉnh thành với hàng ngàn chức năng nghiệp vụ phục vụ cho khoảng hơn 100 triệu “khách hàng” – là công dân Việt Nam và du khách, người dân các nước với “doanh thu” là khoảng 1,4 triệu tỷ đồng.
Việc chuyển đổi năng lực của hệ thống này hướng tới minh bạch, hiệu quả và hiệu lực là một việc lớn và muốn đi nhanh thì chắc chắn cần những giải pháp đột phá. Chính phủ điện tử (trong giai đoạn hiện nay được định nghĩa theo hướng Chính phủ số với sự nhấn mạnh là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, lấy dữ liệu là năng lực cốt lõi) là một giải pháp như vậy với những lý do như sau:
Thứ nhất, Chính phủ điện tử dựa trên dữ liệu là công cụ tốt nhất trong việc minh bạch hóa trách nhiệm giải trình và hoạt động của Chính phủ, vì thế sẽ giúp Chính phủ hướng tới Chính phủ phục vụ.
Thứ hai, Chính phủ điện tử là cầu nối hai chiều để Chính phủ bám sát nhu cầu, nguyện vọng, vấn đề của người dân, doanh nghiệp. Đây là điều kiện tiên quyết để có thể chuyển dịch các hoạt động của Chính phủ hướng tới Chính phủ phục vụ.
Thứ ba, một hệ thống Chính phủ điện tử kết nối là công cụ giúp các bánh xe trong Chính phủ chuyển động hài hòa, đồng bộ hóa hoạt động của Chính phủ để đạt được các mục tiêu phát triển. Điều này giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ.
Thứ tư, việc vận hành Chính phủ điện tử thành công sẽ tạo điều kiện cho các hành lang thể chế và nghiệp vụ trong bộ máy hành chính được hiện đại hóa để tăng cường hiệu lực hoạt động và hướng tới Chính phủ kiến tạo.
Thứ năm, dữ liệu có được từ hệ thống Chính phủ điện tử được phân tích đầy đủ sẽ kiến tạo ra những cơ hội mới để phát triển đất nước.
Thứ sáu, việc các doanh nghiệp Việt Nam chung tay xây dựng Chính phủ điện tử thành công sẽ nâng cao năng lực của các doanh nghiệp này nói riêng và hệ sinh thái CNTT nói chung, kiến tạo ra năng lực chung của xã hội, chuẩn bị cho một tương lai kinh tế số, xã hội số.
Việt Nam đã hội tụ nhiều điều kiện đột phá
Thời điểm này, Việt Nam đã hội tụ nhiều điều kiện để đột phá trong phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Một là, về nguyên tắc, quản lý các hệ thống thông tin dễ hơn quản lý các hệ thống vật lý, máy thay thế và giảm yếu tố can thiệp của con người, vì thế đột phá về Chính phủ điện tử dễ hơn đột phá về các chương trình tổng thể toàn Chính phủ khác.
Hai là, công nghệ hiện nay phát triển cho phép việc kết nối và chia sẻ dữ liệu, ứng dụng toàn Chính phủ dễ dàng, dẫn đến việc tạo ra môi trường thống nhất trong Chính phủ điện tử có tính khả thi cao.
Ba là, trong một xã hội sử dụng Internet ở cấp độ cao như Việt Nam, nhân lực các cấp đều có năng lực tốt về ứng dụng CNTT trong bối cảnh hiện nay, vì thế việc triển khai sử dụng Chính phủ điện tử có tính khả thi cao.
Bốn là, đầu tư vào Chính phủ điện tử với việc sử dụng nguồn lực Việt Nam khá rẻ so với các chương trình khác nên chúng ta có tính chủ động cao, có thể đi nhanh và an toàn.
Hướng tới sự phát triển hùng cường của đất nước
Với nhận thức như trên, chúng ta có thể hoạch định chương trình phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số một cách toàn diện, hướng tới sự phát triển hùng cường của đất nước một cách có cơ sở vững chắc.
Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 đã đưa ra những công việc chính cần phải làm. Tuy nhiên, khi đi sâu vào triển khai cùng một lúc rất nhiều công việc, chúng ta nên giữ một số ít vấn đề ưu tiên để đảm bảo sự đồng bộ hóa. Trong đó, bốn ưu tiên hàng đầu gồm:
Ưu tiên số 1: Tạo ra cách thức quản trị điều hành chính phủ mới thông qua việc sử dụng dữ liệu để ra quyết định tại các cấp của cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt từ cấp cao nhất. Quản trị dựa trên dữ liệu sẽ hiện thực hóa việc quản trị minh bạch, liên tục nâng cao chất lượng công việc, cải cách hành chính hiệu quả hướng tới “Chính phủ nói đi đôi với làm”.
Ưu tiên số 2: Tạo ra phương thức phục vụ người dân, doanh nghiệp mới thông qua việc sử dụng các kênh số hóa một cách thống nhất toàn Chính phủ thông qua “một Chính phủ kết nối”.
Ưu tiên số 3: Tạo ra một sự thành công mang tính lan tỏa của mô hình Chính phủ và doanh nghiệp đồng lòng cải cách.
Ưu tiên số 4: Thông qua việc giải quyết được bài toán chuyển đổi số, thách thức nhất là nâng cao năng lực ngành CNTT Việt Nam.
Chỉ sau một năm thực hiện, Nghị quyết 17 đã mang lại một số kết quả rất ấn tượng. Trong đó phải kể đến sự ra mắt của các hệ thống trung ương như: Hệ thống Liên thông văn bản điều hành, Cổng Dịch vụ công quốc gia, eCabinet.
Thời gian tới, để các hệ thống trung ương này hoạt động tốt thì các hệ thống ở phía dưới phải được nâng cao hơn nữa. Nói theo ngôn ngữ kỹ thuật thì khi hệ thống front-end đã chạy thì áp lực lên hệ thống back-end sẽ rất lớn. Chúng ta đang đứng trước thách thức phải nhanh chóng vừa phục vụ front-end, vừa xây dựng lại hệ thống back-end vững chắc hơn, trong đó việc hình thành nền tảng dữ liệu toàn Chính phủ đi kèm định danh số, bảo đảm an ninh, an toàn là ưu tiên quan trọng. Việc này đòi hỏi những giải pháp tiên tiến nhất hiện nay và vì thế cần sự đầu tư khổng lồ.
Để kết luận, xin được làm rõ giai đoạn này, Chính phủ điện tử không phải là một chương trình tin học hóa hay một chương trình đầu tư với các hạng mục được phân phối cho các bên liên quan.
Chính phủ điện tử không chỉ là một chương trình nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp, người dân hay một chương trình nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ mà còn có thể là một chương trình để tạo ra sự chuyển đổi về phương pháp, cách thức làm việc của Chính phủ trong một giai đoạn mới – còn gọi là chuyển đổi số - tạo đột phá trong chuyển đổi Chính phủ phục vụ và kiến tạo, và một chương trình thành công để tạo niềm tin cho bộ máy Chính phủ cũng như toàn xã hội về những cải cách phù hợp với phát triển của đất nước trong giai đoạn mới với bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Chúng ta hoàn toàn có thể tự tin vào những bước phát triển mạnh mẽ tiếp theo của Chính phủ điện tử Việt Nam hướng tới một Chính phủ với năng lực cao của một Việt Nam hùng cường.