- Trong Nghị định mới, Chính phủ yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện kỹ thuật mang thai hộ phải đáp ứng hàng loạt yêu cầu.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 98/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/1/2015 quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Trong đó sửa đổi bổ sung điều kiện cơ sở khám chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

{keywords}

Bé gái mang thai hộ đầu tiên của cả nước chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương vào ngày 22/1 vừa qua với cân nặng 3,6kg.

Cụ thể, các cơ sở này phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (quy định cũ 1 năm), kể từ ngày được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật này.

Ngoài ra phải có tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm tối thiểu là 1.000 chu kỳ mỗi năm trong 2 năm liên tiếp (quy định cũ 300 ca/năm).

Nghị định cũng quy các cơ sở thực hiện phải đáp ứng đủ về cơ sở vật chất và nhân lực: Có phòng hồi sức cấp cứu; có phòng xét nghiệm nội tiết sinh sản có thể cung cấp kết quả trong ngày; có đơn nguyên riêng cho việc thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm diện tích tối thiểu là 500 m2 (kể cả lối đi); tối thiểu có 2 tủ cấy CO2; 3 tủ ấm; 1 bình trữ tinh trùng; 1 máy ly tâm; 1 tủ sấy; 1 bình trữ phôi đông lạnh; 2 máy siêu âm có đầu dò âm đạo; 1 kính hiển vi đảo ngược; 2 kính hiển vi soi nổi; 2 bộ tủ thao tác.

Về nhân sự, người trực tiếp thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; có văn bằng hoặc chứng chỉ hoặc chứng nhận đã được đào tạo về kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm do cơ sở đào tạo trong nước hoặc nước ngoài cấp; có xác nhận đã thực hành ít nhất 20 chu kỳ điều trị vô sinh bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đã được Bộ Y tế công nhận.

Hiện nay, cả nước có 3 cơ sở được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ là Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ.

Sau 1 năm thực hiện, Bộ Y tế cho biết sẽ bổ sung thêm danh sách được thực hiện kỹ thuật này.

Theo thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, hàng năm nước ta có khoảng 500-700 trường hợp có nhu cầu nhờ mang thai hộ.

Tuy nhiên sau hơn 1 năm thực hiện, đến nay 3 bệnh viện nói trên mới duyệt được hơn 100 hồ sơ và hơn 10 bé đã chào đời.

Chi phí một lần mang thai hộ ở nước ta khoảng 40-70 triệu đồng, trong khi ở Mỹ là khoảng 700 triệu đồng.

Thúy Hạnh