Chiều 26/5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm “Những chiến lược mới trong chống dịch và phát triển kinh tế”.

Khách mời tham dự tọa đàm có ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI; Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV Lưu Bình Nhưỡng; nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng; ĐBQH khóa XIV Lê Thanh Vân.

{keywords}
Tọa đàm “Những chiến lược mới trong chống dịch và phát triển kinh tế”. Ảnh: VGP

Ngày càng chứng tỏ là một Chính phủ kỹ trị

ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, nói đến tình hình đất nước khi chuyển giao quyền lực cuối nhiệm kỳ phải nhìn thành tựu của cả quá trình đổi mới hơn 30 năm. Đó là sự kế thừa liên tiếp một chặng đường dài dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự nỗ lực cố gắng của toàn hệ thống chính trị, nhất là vai trò của nhân dân.

Tuy nhiên, ĐBQH Lê Thanh Vân cũng lưu ý, nhìn vào bức tranh còn có những góc khuất. Đó là những tồn tại, hạn chế mà trong cuộc chuyển giao quyền lực, bàn giao lãnh đạo không thể không nói đến.

Còn bề bộn, ngổn ngang những hạn chế, khuyết tật trong bức tranh kinh tế-xã hội, như là các điểm nghẽn trong thể chế, chính sách, những tồn tại trong công tác cán bộ và vẫn phải tiếp tục trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Song, ông Vân nhấn mạnh, không thể không nhắc đến cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã chiến đấu rất anh dũng.

“Tất nhiên, nói đến bối cảnh như vừa nêu còn phải nói đến cả thách thức, áp lực đối với đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của cả bộ máy, cả hệ thống và đòi hỏi quyết tâm, sáng tạo cũng như cả những đột phá trong thể chế, chính sách và cả giải pháp cụ thể thì mới đưa Việt Nam cất cánh theo kỳ vọng”, ĐBQH Lê Thanh Vân chia sẻ.

{keywords}
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng nhận xét: “Tôi thấy Chính phủ mới kiện toàn tương đối ổn, tôi phấn khởi và có lòng tin vào Chính phủ”.

Nhấn mạnh thực chất Chính phủ ngày càng chứng tỏ là một Chính phủ kỹ trị, ông Dũng cho rằng khi chống Covid-19, phải có chiến lược đúng trên cơ sở chính trị thì mới hiệu quả.

Ông đồng tình với nhận định: “Đây là Chính phủ hành động, Chính phủ nói ít làm nhiều. Đó mới là điều rõ nhất của Chính phủ hành động, hình thành nên phong cách mới của Chính phủ, có lẽ sẽ tạo ra một động lực mạnh”.

Ngoài ra, theo ông Dũng, phải coi việc thúc đẩy cải cách thể chế, coi thể chế là nền tảng là một trọng tâm. Đồng thời phải phân cấp phân quyền để vừa nâng cao trách nhiệm nhưng vừa khuyến khích, khen thưởng ngay khi làm đúng.

“Ví dụ như việc Thủ tướng khen thưởng huyện Đông Anh trong việc chống Covid-19. Quy trách nhiệm nhưng vẫn đảm bảo khen thưởng kịp thời, đúng lúc, đó chính là động lực”, ông Nguyễn Sỹ Dũng dẫn chứng.

Chuyển từ trạng thái thay đổi quản lý sang quản lý sự thay đổi

Phó ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, hai lần Thủ tướng chủ trì họp Chính phủ đều nhấn mạnh nhiều về vấn đề thể thế, nổi lên ba vấn đề. Đó là chấn chỉnh tinh thần thái độ của đội ngũ cán bộ công chức, lãnh đạo, phân công trách nhiệm rõ ràng.

Thứ hai là Thủ tướng yêu cầu xác định tiêu chí, tiêu chuẩn để tiến tới phân cấp, phân quyền, phân vai, phân bổ nguồn lực và phân định trách nhiệm.

Thứ ba là tăng cường truyền thông để nhân dân hiểu, tham gia, đồng thuận tất cả các chính sách và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo ông Nhưỡng, ba yếu tố này rất quan trọng.

ĐBQH Lê Thanh Vân đánh giá cao tuyên ngôn về phương pháp của Thủ tướng trong thời điểm hiện này là "chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công".

Tuy nhiên ông băn khoăn về việc ưu tiên "vũ khí" trong cuộc chiến này chính là vắc xin nhưng nguồn lực để nhập đủ vắc xin tiêm cho nhân dân từ đâu trong khi ngân sách chỉ bảo đảm được khoảng 18.000 tỷ. Vì vậy giải pháp ông Vân đưa ra là huy động xã hội hóa và thực tế rất nhiều DN đã góp sức chung tay với Chính phủ.

{keywords}
ĐBQH Lê Thanh Vân

"Tôi muốn nói rằng chúng ta phải thay đổi tư duy trong cách thức quản trị đất nước, từ chỗ thuần túy sửa quy trình thì bây giờ có thể phải đảo ngược quy trình. Nếu trước đây chúng ta thay đổi quản lý thì bây giờ chúng ta phải quản lý sự thay đổi để đón đầu và kiểm soát sự thay đổi", ĐBQH tỉnh Cà Mau nói.

Nhắc lại phát biểu tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIV, ông Lê Thanh Vân cho rằng, đại dịch Covid-19 khiến thế giới thay đổi toàn bộ từ quan hệ ngoại giao đến cách thức làm việc của các Chính phủ.  Dẫn chứng như hội nghị thượng đỉnh đều qua trực tuyến, người dân cũng thay đổi cách thức buôn bán (bán hàng online).

Theo ông, đó chính là phản ứng của con người trước sự thay đổi của môi trường, chuyển từ trạng thái thay đổi quản lý sang quản lý sự thay đổi. Đó là trí tuệ và bản lĩnh.

“Nếu như vừa rồi Thủ tướng không bản lĩnh thì không thể quyết dứt điểm việc mua vắc xin được vì thời gian đối tác đưa ra cho chúng ta chỉ chưa đầy 24 giờ. Trước một quyết định như vậy, đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ, và đây chính là cơ hội để Đảng, Nhà nước sàng lọc chất lượng cán bộ”, ông Vân nhấn mạnh.

ĐBQH Lê Thanh Vân đề nghị khởi động lại quy định Nghị quyết 35 của Quốc hội khóa XIII là bỏ phiếu tín nhiệm cho các chức vụ do Quốc hội bầu và Đảng chịu trách nhiệm giám sát để sàng lọc nhân tài cho đất nước.

Thu Hằng 

Thủ tướng: Mục tiêu cao nhất là đẩy lùi dịch bệnh ở Bắc Giang và Bắc Ninh

Thủ tướng: Mục tiêu cao nhất là đẩy lùi dịch bệnh ở Bắc Giang và Bắc Ninh

Thủ tướng yêu cầu các bộ liên quan phối hợp với địa phương tổ chức các tổ công tác đặc biệt thường trực tại Bắc Ninh, Bắc Giang với mục tiêu cao nhất là đẩy lùi dịch bệnh.