Thông tin với báo chí về phiên họp tháng 9/2023 của Chính phủ và Hội nghị với các địa phương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh, đáng nói nhất trong số đó là việc tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thời gian qua, Chính phủ đã tập trung tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, xử lý kịp thời, hiệu quả một khối lượng lớn các nhiệm vụ, công việc thường xuyên, từng bước giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng và phát sinh.
Ông Sơn nhận xét thêm, Chính phủ đã triển khai thiết thực, hiệu quả nhiều hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế quan trọng. Đặc biệt là chuyến thăm lịch sử cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện.
Nước ta đã đi hết 3/4 quãng đường của năm 2023 với tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ như hậu quả dịch COVID-19 kéo dài; cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước lớn gia tăng gay gắt; xung đột tại Ukraina kéo dài.
Trong khi đó, lạm phát ở các nước tuy đã hạ nhiệt những vẫn neo ở mức cao. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy cục bộ. Hàng rào bảo hộ gia tăng. Nguy cơ mất an ninh năng lượng, an ninh lương thực, già hoá dân số ngày càng hiện hữu.
Ở trong nước, chúng ta chịu "tác động kép" từ các yếu tố bất lợi bên ngoài. Bên cạnh đó, những vấn đề tồn tại kéo dài nhiều năm bộc lộ rõ hơn trong khó khăn bởi nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở cao nên khả năng thích ứng, sức chống chịu còn hạn chế.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết thêm, tăng trưởng quý III đạt 5,33% là “vượt mong đợi” và đóng góp vào tăng trưởng 9 tháng là 4,24%. Trong đó, điểm nhấn là nhiều chỉ số vĩ mô quan trọng tháng sau tốt hơn tháng trước, đóng góp vào tổng thể quý sau tốt hơn quý trước. “Mặc dù số không phải quá nhiều, đột phá nhưng như vậy đã là rất tốt so với bối cảnh kinh tế thế giới đang rất khó khăn”, ông nói.
So sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới thì tăng trưởng của chúng ta là cao. Trong khu vực châu Á, so với Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, chúng ta đều cao hơn.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng, Chính phủ đã ban hành 67 Nghị định, 175 Nghị quyết. Thủ tướng Chính phủ ban hành 25 Quyết định quy phạm pháp luật, 1.189 Quyết định cá biệt, 24 Chỉ thị.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức 26 Tổ công tác của Thành viên Chính phủ trực tiếp làm việc với địa phương; phát huy hiệu quả 05 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân; ban hành các Nghị quyết số 58/NQ-CP, số 105/NQ-CP… để chỉ đạo đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh; giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay; miễn giảm thuế.
Bên cạnh đó, Chính phủ quyết liệt xử lý kiến nghị của doanh nghiệp, tháo gỡ các quy định chưa phù hợp với thực tiễn; giải quyết các vấn đề tồn đọng của doanh nghiệp, ngân hàng, dự án đầu tư, thị trường trái phiếu, bất động sản, hoạt động đấu thầu, mua sắm thuốc… Đồng thời, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tổ chức các Hội nghị điều phối vùng, thúc đẩy liên kết vùng và tăng cường xúc tiến đầu tư.
Chính phủ đã điều hành linh hoạt, thích ứng, tranh thủ tối đa thời cơ, nguồn lực cả trong và ngoài nước. Thực hiện ba đột phá chiến lược, giải pháp trong trung và dài hạn. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, an sinh. Đặc biệt, giữ vững quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh ngoại giao, nhất là ngoại giao cấp cao và ngoại giao kinh tế.