- Sau 10 năm cải cách thủ tục hành chính, mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với các dịch vụ công vẫn ở mức rất thấp, chỉ đạt 20-25%.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. Ảnh: Quốc Dũng
Mục tiêu của Chương trình hiện đại hóa thủ tục hành chính do Bộ nội vụ xây dựng là đến năm 2015, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp dành cho các dịch vụ hành chính của cơ quan Nhà nước phải đạt trên 60%, và đến năm 2020 là trên 80%.
Chia sẻ tại “Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử lần thứ 10” diễn ra hôm nay tại Hà Nội, ông Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Vụ Cải cách Hành chính, Bộ nội vụ khẳng định, yếu tố then chốt để cải cách thủ tục hành chính chính là hiện đại hóa thủ tục bằng việc ứng dụng CNTT và phát triển Chính phủ điện tử.
Theo ông Hòa, hiện tại nền hành chính của Việt Nam vẫn đang tụt hậu so với yêu cầu, và trọng tâm của công cuộc cải cách sẽ phải tập trung vào ba lĩnh vực chính là thể chế, con người và chất lượng dịch vụ công.
“Chúng ta còn khá nhiều việc phải làm để đạt được các mục tiêu 60% và 80%. Chẳng hạn như phải rà soát lại các thủ tục theo hướng đơn giản hóa, xem xét lại các quy trình để tránh tình trạng người dân phải đi lại nhiều nơi. Trong tương lai, Chính phủ điện tử và Thủ tục hành chính hiện đại là phải tạo điều kiện được cho người dân “giám sát trở lại” cơ quan Nhà nước”, ông Hòa phân tích.
Hiện nay, người dân mới chỉ có thể tìm hiểu thủ tục qua mạng trước khi đến cơ quan nhà nước. Một số nơi đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 2, tức là người dân có thể tải biểu mẫu đơn qua mạng, điền sẵn rồi mới mang đến cơ quan nhà nước. Nhưng nếu ứng dụng CNTT tốt thì với thủ tục một cửa, người dân sẽ có thể trực tiếp kiểm tra được hồ sơ của mình đang ở khâu nào, đã được xử lý đến đâu trên hệ thống.
Nói cách khác, ứng dụng công nghệ và phát triển mạnh Chính phủ điện tử sẽ giúp tăng độ minh bạch cho các dịch vụ công, và từ đó mà mức độ hài lòng của người dân đối với các dịch vụ này mới tăng lên, ông Hòa nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với ông Hòa, ông Lê Thanh Tâm, Tổng Giám đốc IDG ASEAN cho biết, Báo cáo về Chính phủ Điện tử năm 2012 của Liên Hợp Quốc tuy đánh giá Việt Nam tăng 7 bậc (từ hạng 90 năm 2010 lên vị trí số 83 năm 2012), nhưng vẫn có nhiều chỉ số của Việt Nam ở mức thấp, thậm chí rất thấp. “Cơ sở hạ tầng, nguồn lực con người ở mức trên trung bình, nhưng mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với Chính phủ điện tử, tính minh bạch và chất lượng dịch vụ công đều không cao”, ông Tâm thẳng thắn.
Doanh nghiệp vẫn than phiền về việc bị “hành là chính” khi tiếp cận với các cơ quan Nhà nước, trong khi mô hình PPP (hợp tác công tư) đang được Chính phủ chủ trương phát triển, đẩy mạnh trong các hoạt động đầu tư xã hội. Điều này theo ông Tâm là một nghịch lý. Thủ tục nhiêu khê, quy trình phức tạp, phải gõ cửa nhiều nơi và thiếu thông tin… là những khó khăn phổ biến của doanh nghiệp khi va chạm với thủ tục hành chính.
Hoặc một thí dụ khác mà ông Tâm chỉ ra, là việc nhiều cơ quan Nhà nước đã cung cấp mẫu đơn qua mạng nhưng trên thực tế người dân lại ít sử dụng. “Thứ nhất là vì họ cung cấp nhưng lại thiếu tuyên truyền đến dân nên dân không biết mà dùng. Thứ hai là có mẫu đơn đấy nhưng hướng dẫn cách thức không có, hoặc không kỹ, không đầy đủ, nên dân không biết điền sao cho đúng”.
Đối với bài toán mức độ hài lòng của người dân đối với các dịch vụ công và Chính phủ điện tử, ông Tâm nhấn mạnh rằng có nhiều thước đo để xác định chỉ số này, nhưng không thể phủ nhận thực tế là hiện nay, người dân chỉ đang hài lòng với các tập đoàn nước ngoài hoặc với dịch vụ của các công ty tư nhân mà thôi. “Cơ quan Nhà nước vẫn còn nặng tâm lý cửa quyền, dân cần mình chứ không phải mình phục vụ dân”, ông Tâm phân tích. “Người dân thiếu thông tin, không được giám sát các dịch vụ công thì sao minh bạch được?”.
Về điểm này, ông Hòa cũng tỏ ra đồng tình khi khẳng định, công chức Nhà nước nếu không thay đổi thái độ và cách ứng xử với người dân, doanh nghiệp thì hiện đại hóa thủ tục hành chính chỉ là trên giấy, nửa vời.
Theo thống kê đến hết tháng 5/2012, 96,6% Bộ ngành tại Việt Nam đã có website riêng, 100% các tỉnh, thành phố có cổng thông tin điện tử, 83,6% các thông tin chỉ đạo ban hành được đưa lên mạng. |
Trọng Cầm