Dịch vụ công trực tuyến: Nhiều mục tiêu chỉ đạt 2 - 4%

Cách đây 5 năm, ngày 27/8/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1605/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2011-2015.

Trong đó đặt mục tiêu đến hết năm 2015, 100% các cơ quan Nhà nước từ cấp quận, huyện, sở, ban, ngành trở lên cung cấp tất cả dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và hầu hết các dịch vụ công cơ bản được cung cấp trực tuyến tối thiểu mức độ 3 tới  người dân và doanh nghiệp.

11 dịch vụ công được ưu tiên cung cấp trực tuyến tối thiểu mức độ 3 tại các tỉnh, thành phố đã được chỉ rõ, gồm: Đăng ký kinh doanh; Cấp giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện; Cấp giấy phép xây dựng; Cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng; Cấp giấy phép đầu tư; Cấp giấy đăng ký hành nghề y, dược; Lao động, việc làm; Cấp, đổi giấy phép lái xe; Giải quyết khiếu nại, tố cáo; Đăng ký tạm trú, tạm vắng; Dịch vụ đặc thù.

Đồng thời, chương trình chỉ rõ hơn 200 dịch vụ công được ưu tiên cung cấp trực tuyến tối thiểu mức độ 3 tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Thế nhưng, kết quả thực hiện trong thực tế ra sao? Trao đổi với ICTnews về vấn đề này, ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam, đơn vị thực hiện khảo sát và xây dựng Báo cáo thường niên về Chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Index) cho biết: “Theo Báo cáo Vietnam ICT Index 2014, tính đến tháng 6/2014, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến tất cả các mức độ của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt khoảng 85%, trong đó tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 chỉ đạt khoảng 2% tổng số dịch vụ công và tỷ lệ dịch vụ công ưu tiên cung cấp trực tuyến tối thiểu ở mức độ 3 chỉ đạt khoảng hơn 4% so với danh sách đã công bố. Với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến tất cả các mức độ đạt khoảng 75%, trong đó tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 chỉ đạt khoảng 3% tổng số dịch vụ công, tỷ lệ dịch vụ công ưu tiên cung cấp trực tuyến tối thiểu ở mức độ 3 đạt gần 20% so với danh sách đã công bố”.

“Việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thì nhiều nhưng chủ yếu ở mức đơn giản là cung cấp các mẫu biểu trên môi trường mạng. Có rất ít dịch vụ công trực tuyến cho phép người dân gửi, thanh toán phí và các cơ quan Nhà nước xử lý, trả hồ sơ qua mạng. Nhìn chung, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn manh mún, khó tiếp cận, khó tra cứu vì chưa hình thành một đầu mối duy nhất trên môi trường mạng tích hợp cung cấp các dịch vụ công trực tuyến của tất cả các Bộ, ngành, địa phương”, ông Nguyễn Long chia sẻ.

Phân tích nguyên nhân của hiện trạng trên, ông Nguyễn Long nhận định, trước hết là do việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện đầy đủ, thường xuyên và nghiêm túc nên các cơ quan ai muốn làm thì làm, ai không làm cũng không sao.

Bên cạnh đó, việc danh sách các dịch vụ công được ưu tiên cung cấp trực tuyến tối thiểu ở mức độ 3 không được thường xuyên bổ sung và cập nhật, đến nay do cải cách hành chính khiến nhiều thủ tục hành chính đã không còn tồn tại hoặc đã bị thay đổi, dẫn đến dịch vụ công liên quan cũng không còn tồn tại hoặc bị thay đổi, làm khó cho các đơn vị thực hiện.

Đơn cử như, theo Quyết định 1605, Ủy ban Dân tộc chỉ có duy nhất một dịch vụ công thuộc diện ưu tiên cung cấp trực tuyến tối thiểu ở mức độ 3 là “Truyền phát trực tuyến các kênh phát thanh, truyền hình dân tộc trên mạng Internet”. Thế nhưng, kiểm tra trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về thủ tục hành chính tại thời điểm này thì Ủy ban Dân tộc không có thủ tục hành chính nào có tên gọi như vậy hoặc tương tự.

Chính phủ điện tử: Mục tiêu còn xa vời

Việc xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam đã được quan tâm từ cách đây khá lâu. Ngày 22/9/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT”. Trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 nước dẫn đầu trong bảng xếp hạng về Chính phủ điện tử của Liên hiệp quốc và hầu hết các dịch vụ công cơ bản được cung cấp trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp ở mức độ 4.

5 năm đã qua, tính đến giữa năm 2015, Việt Nam mới nằm ở tốp đầu của nửa sau (99/193) trong bảng xếp hạng về Chính phủ điện tử của Liên hiệp quốc năm 2014.

Cũng theo phân tích của ông Nguyễn Long, nhìn vào bảng xếp hạng Chính phủ điện tử các nước ASEAN do Liên hiệp quốc công bố, Việt Nam đang nằm ở vị trí thứ 5. Việc vươn lên vị trí thứ nhất hoặc thứ nhì trong bảng xếp hạng là khó khả thi trong thời gian ít nhất là 5 năm tới, do chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam hiện nay chỉ là 0,4705, quá thấp so với 2 nước đứng đầu ASEAN là Singapore (0,9076) và Malaysia (0,6115).

Tương tự, theo ông Long, việc lọt vào top 2 ASEAN về triển khai dịch vụ công trực tuyến cũng vô cùng khó trong vòng 5 năm tới, bởi chỉ số dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam hiện nay là 0,4173, quá thấp so với 2 nước đứng đầu ASEAN là Singapore (0,9921) và Malaysia (0,6772).

Với mong muốn đẩy mạnh hoạt động dịch vụ công trực tuyến cũng như tiến độ triển khai Chính phủ điện tử ở mức quốc gia tại Việt Nam, trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2015 mới đây, Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan để xây dựng Nghị quyết về Chính phủ điện tử.

Tại phiên chính của Hội thảo Hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam lần thứ 19 diễn ra ngày 21/8 tới đây ở Lâm Đồng, đại diện của Văn phòng Chính phủ sẽ chính thức giới thiệu những nội dung chính của Nghị quyết mới này.