Đài Loan là một trong số các nước có thứ hạng cao về chính phủ điện tử thế giới.. Ảnh: Internet |
Theo bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Đại học Waseda và 10 đại học hàng đầu, Đài Loan xếp thứ 9 trên toàn thế giới vào năm 2018. Đài Loan bắt đầu chương trình chính phủ điện tử từ năm 1998 và đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên, bao gồm thiết lập cơ sở hạ tầng mạng chính phủ và giai đoạn hai tập trung vào quảng bá ứng dụng mạng. Giai đoạn ba tiếp tục quảng bá và cung cấp dịch vụ công phổ quát, đồng thời chuyển đổi chính phủ sang chính phủ chủ động. Giai đoạn bốn cung cấp các dịch vụ toàn diện thông qua nâng cao hiệu quả hoạt động nội bộ và cải thiện chất lượng dịch vụ cho công dân. Giai đoạn năm (hiện tại) có mục tiêu cung cấp nhiều dịch vụ tiện lợi hơn và quản trị minh bạch.
Giai đoạn một Chương trình chính phủ điện tử (1998-2000)
Trong giai đoạn đầu tiên, Đài Loan tập trung thiết lập mạng lưới xương sống chính phủ, phát triển mạng lưới cho ứng dụng quản trị và công cộng, tăng tốc độ truyền tin, thực hiện kiểm định điện tử và cơ chế an ninh mạng.
6 mục tiêu của giai đoạn này bao gồm: Xây dựng mạng “chính phủ điện tử/chính phủ kết nối” cung cấp ứng dụng trực tuyến, liên lạc, truyền tin tiện lợi; quảng bá sử dụng Internet, khuyến khích viên chức nhà nước lên mạng và dùng các dịch vụ cơ bản như email để làm việc; xây dựng cơ chế truyền tin chính phủ toàn diện để người dân sử dụng khi tra cứu; cải thiện hiệu quả xử lý văn bản chính quy và thúc đẩy trao đổi điện tử để nâng cao tính hiệu quả của các cơ quan công quyền; tích hợp dữ liệu chính phủ, mở rộng các điểm cung cấp dịch vụ công, mở rộng thời gian phục vụ, cung cấp dịch vụ “một cửa”; thiết lập môi trường an ninh thông tin và truyền thông đáng tin cậy để bảm đảm hoạt động thông tin chính phủ diễn ra nhịp nhàng nhưng vẫn bảo vẹ quyền và lợi ích của người dân.
Giai đoạn hai Chương trình Chính phủ điện tử (1998-2000) và Đài Loan Số/ Chính phủ điện tử (2003-2007)
Nhằm quảng bá các dịch vụ công trực tuyến phổ quát, mục tiêu chính của chương trình chính phủ điện tử từ 2001 tới 2004 bao gồm thiết lập môi trường thông tin hiệu quả, an toàn, đáng tin cậy, khuyến khích mọi cơ quan ban ngành, công nhân viên chức lên mạng và áp dụng gửi văn bản chính quy điện tử. Trong đó, 1.500 dịch vụ công được đưa lên mạng, khuyến khích trao đổi thông tin giữa các cơ quan và giảm văn bản giấy tờ.
Một số biện pháp được đưa ra bao gồm củng cố dịch vụ lưới dịch vụ công (GSN), thiết lập chứng nhận điện tử và cơ chế an ninh cho các cơ quan quản trị, phát triển luật và hướng dẫn chính phủ điện tử, đào tạo công nhân viên chức về chính phủ điện tử, máy tính hóa tất cả hoạt động của chính phủ, khuyến khích tự động hóa văn phòng, trao đổi thông tin kinh doanh giữa các tổ chức, công bố thông tin chính phủ trên mạng…
Giai đoạn ba Chương trình Chính phủ điện tử (2008-2011)
Giai đoạn này phối hợp với chính sách Executive Yuan và định hướng Intelligent Taiwan để kết nối cơ sở hạ tầng, tích hợp dịch vụ công trung ương và địa phương. Được chia làm 10 dự án trọng điểm, trọng tâm của chương trình là tích hợp các dịch vụ trực tuyến của các cơ quan khác nhau, từ đó đơn giản hóa thủ tục và quy trình xử lý, nâng cao hiệu quả. Một trọng tâm khác là làm cho các dịch vụ điện tử và di động phổ biến hơn.
Trong số các kết quả đạt được của giai đoạn này là cổng thông tin chính phủ “một cửa” để tra cứu thông tin, ứng dụng trực tuyến, liên lạc giữa người dân – chính phủ và ngược lại. Nó cũng liên kết đến mọi website bộ ngành, giúp người dân dễ dàng truy cập dịch vụ của nhiều cơ quan khác nhau. Cổng này cũng liên kết quy trình xử lý dịch vụ của tất cả cơ quan, đáp ứng nhu cầu của người dùng. Ngoài ra, Đài Loan tạo ra một trang việc làm trên mạng “E-job”, tập hợp mọi thông tin tuyển dụng từ chính phủ và tư nhân. Chính phủ còn phối hợp với các tổ chức cung cấp điểm kết nối Wi-Fi miễn phí tại các khu vực công cộng ở mọi vị trí địa lý.
Giai đoạn bốn Chương trình Chính phủ điện tử (2012-2016)
Giai đoạn bốn bao gồm 6 chương trình chủ lực: dịch vụ điện toán đoán mây, mở rộng cơ sở dữ liệu cơ bản, dịch vụ tích hợp chủ động, chính phủ điện tử di động, dịch vụ công kết hợp mạng xã hội, dịch vụ công tới hộ gia đình. Trọng tâm của giai đoạn này là cải thiện hiệu quả quản trị, nâng cao chất lượng dịch vụ công, vượt qua khoảng cách số.
Giai đoạn năm Chương trình Chính phủ điện tử (2017-2020)
Tầm nhìn của giai đoạn là tạo ra chính phủ số hàng đầu thế giới. Mục tiêu của nó bao gồm mang đến cuộc sống tiện lợi hơn cho người dân thông qua xây dựng dịch vụ điện tử bảo mật và thuận tiện; phát triển kinh tế số dựa vào nguồn lực điện tử điều chỉnh luật; nâng cao tính minh bạch và cởi mở của dữ liệu chính phủ, tạo ra các kênh đa dạng để người dân tham gia qua Internet.