Bài liên quan:
>> Tiếc là các lãnh đạo chưa thực sự nhập cuộc
>> "Gậy thần" của ngành CNTT
>> Nên có "Chỉ thị 58 mới" để tạo sinh khí mới
>> Quả ngọt từ quan điểm quản lý cởi mở
>> Internet trở thành sản phẩm bình dân
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT (Bộ TT&TT) đã nhận định như vậy trong trao đổi với báo Bưu điện VN.
Thưa ông, đâu là những thành tựu cơ bản mà các cơ quan Nhà nước tại Việt Nam đã đạt được trong việc ứng dụng CNTT sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 58?
Việc triển khai ứng dụng CNTT trong CQNN đến nay đã đạt được những kết quả quan trọng như: Nhiều cơ quan nhà nước đã chú trọng sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc làm giảm chi phí hoạt động, tăng tốc độ xử lý thông tin (tỷ lệ cán bộ, công chức được cung cấp hộp thư điện tử sử dụng trong công việc tương đối cao, đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đạt trung bình từ 80-90%; với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt trung bình từ 70-80%).
Phần mềm quản lý văn bản và điều hành được triển khai tương đối rộng khắp ở các cơ quan trung ương. Nhiều cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương được tổ chức hội nghị truyền hình đã tạo ra một hình ảnh trực quan về một Chính phủ hoạt động hiện đại, tiết kiệm.
Bên cạnh đó, Cổng thông tin điện tử cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả, tạo một kênh thông tin và giao dịch mới, nhanh, hiệu quả, hình thành môi trường công khai, minh bạch Đến nay 20/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ đã có trang/cổng thông tin điện tử, trừ 02 Bộ có chức năng đặc thù là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có trang/cổng thông tin điện tử (trừ Đắc Nông).
Đáng chú ý là mô hình một cửa điện tử đã được triển khai thành công ở nhiều địa phương cấp huyện, góp phần giải toả bức xúc của người dân trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh.
Tính đến nay, hạ tầng kỹ thuật CNTT đã được xây dựng bảo đảm triển khai các ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước tốc độ cao, đa dịch vụ đảm bảo an toàn, bảo mật đang được hoàn thiện (dự kiến trong năm 2010 kết nối tới tất cả các đơn vị cấp huyện và các sở, ban, ngành). Khoảng 85% cán bộ, công chức tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ và 55% cán bộ, công chức tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được trang bị máy tính để làm việc; 85% các cơ quan hành chính nhà nước thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã kết nối mạng nội bộ LAN, mạng Internet.
Nguồn nhân lực cho ứng dụng CNTT đã phát triển rộng rãi: khoảng 85% cán bộ, công chức tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ và 78% cán bộ, công chức tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có khả năng sử dụng máy tính phục vụ công việc. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT tại nhiều cơ quan còn chậm và thiếu đồng bộ...
Ông có đánh giá gì về nỗ lực của Chính phủ trong việc xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý nhằm đáp ứng sự phát triển của vấn đề ứng dụng CNTT trong CQNN?
Trong vấn đề môi trường pháp lý, nhớ lại thời điểm năm 2000 thì Việt Nam gần như chưa có văn bản bản quy phạm nào đáng kể, nhưng đến nay hệ thống văn bản về ứng dụng CNTT trong CQNN đã tương đối đầy đủ so với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Ở mức cao nhất, Luật CNTT, Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội thông qua; tiếp theo là Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước... Việc đưa ra các văn bản pháp luật, các kế hoạch ở tầm quốc gia đã giúp các Bộ, ngành, địa phương xác định được định hướng, nội dung ứng dụng CNTT để triển khai một cách đồng bộ, có tính hệ thống trên phạm vi toàn quốc.
Những nguyên nhân chủ yếu nào khiến cho việc ứng dụng CNTT tại nhiều cơ quan còn chậm?
Theo tôi, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hạn chế về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước trong thời gian qua đó là do nhiều ứng dụng CNTT chạy theo phong trào, không dựa trên nhu cầu thực tế; nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp chưa thực sự gương mẫu trong ứng dụng CNTT... Bên cạnh đó là hàng loạt những khó khăn khác như kinh phí đầu tư cho ứng dụng CNTT còn hạn hẹp, chưa tương xứng với lợi ích của ứng dụng CNTT. Trung ương và địa phương chưa có nguồn chi ổn định cho ứng dụng CNTT; Các văn bản pháp lý quy định riêng cho quản lý đầu tư ứng dụng CNTT còn thiếu; Do thu nhập thấp, các cơ quan nhà nước rất khó thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng tốt trở thành cán bộ chuyên trách về CNTT.
Theo ông, trong thời gian sắp tới Việt Nam cần thực hiện các giải pháp gì để thực sự “kích” lĩnh vực ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước?
Để thúc đẩy ứng dụng CNTT trong CQNN thời gian tới, xét cho cùng phải bao gồm hai giải pháp quan trọng nhất: Thứ nhất là về nguồn nhân lực: Cần phải có những quy định, chế tài nhằm khuyến khích, tạo điều kiện, bắt buộc các CBCC ứng dụng CNTT trong công việc. Trước hết là người đứng đầu các CQNN phải chịu trách nhiệm trước cơ quan cấp trên về sự phát triển ứng dụng CNTT trong cơ quan mình, coi đây là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng. Tiếp theo, phải có chính sách thu hút được những người có đủ năng lực làm công tác chuyên trách về CNTT, đào tạo các CBCC có đủ kỹ năng ứng dụng CNTT trong công việc.
Thứ hai là về tài chính: Cần phải bố trí nguồn kinh phí đủ, ổn định cho ứng dụng CNTT; coi ứng dụng CNTT là một trong những công cụ quan trọng nhất để cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động CQNN, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, từ đó có đầu tư kinh phí tương xứng.
Xin cảm ơn ông!
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 115 ra ngày 24/9/2010.