Theo kế hoạch sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 ký ban hành ngày 5/12, ngoài việc sắp xếp, hợp nhất một số bộ, Chính phủ cũng đưa ra kế hoạch kết thúc hoạt động một số cơ quan trực thuộc Chính phủ.
Hai Đại học Quốc gia về Bộ Giáo dục và Đào tạo
Cụ thể, Chính phủ đưa ra kế hoạch kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Chuyển quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện đang giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý sẽ được chuyển về bộ quản lý ngành và nghiên cứu mô hình tổ chức trực thuộc Chính phủ.
Đối với một số tập đoàn lớn (như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam...) trước đây trực thuộc Ủy ban này thì hướng sắp tới nghiên cứu xác định là đầu mối tổ chức Đảng trực thuộc Đảng bộ Chính phủ.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia kết thúc hoạt động, chuyển nhiệm vụ về Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đưa ra hai phương án sắp xếp 2 Viện Hàn lâm khoa học.
Phương án 1: Hợp nhất Viện Hàn lâm Khoa học xã hội với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ thành Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam.
Phương án 2: Duy trì hai Viện Hàn lâm nhưng thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế, bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu của Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam.
Hai Đại học Quốc gia (Hà Nội và TPHCM) cũng sắp xếp lại để bảo đảm hiệu quả, phát huy được nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo. Cụ thể là chuyển Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TPHCM về Bộ Giáo dục và Đào tạo để quản lý.
Chính phủ cũng đưa ra phương án chuyển Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào trong cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ sáp nhập vào Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển (tổ chức lại thành 1 đầu mối độc lập thuộc bộ này).
Sau khi sắp xếp, các cơ quan thuộc Chính phủ sẽ còn 4, giảm 4 cơ quan so với hiện nay.
Cơ bản không duy trì mô hình tổng cục thuộc bộ
Với các tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục, Ban Chỉ đạo của Chính phủ đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức lại, bảo đảm tinh gọn, cơ bản không duy trì mô hình tổng cục thuộc bộ.
Trường hợp cần thiết duy trì mô hình tổng cục, các bộ, cơ quan ngang bộ báo cáo Ban Chỉ đạo của Chính phủ để xin ý kiến Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.
Kế hoạch cũng nêu rõ định hướng sắp xếp các tổ chức bên trong bộ, cơ quan ngang bộ. Trong đó, với các đơn vị có chức năng tham mưu tổng hợp chung thì mỗi bộ chỉ duy trì 1 đầu mối tổ chức tương ứng với những lĩnh vực: Tổ chức cán bộ, Pháp chế, Hợp tác quốc tế, Văn phòng, Kế hoạch Tài chính, Thanh tra.
Với cục, vụ thực hiện chức năng tham mưu, tổ chức thực thi nhiệm vụ quản lý Nhà nước chuyên ngành thì rà soát, sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, phù hợp với yêu cầu quản lý Nhà nước với ngành, lĩnh vực. Trong đó, chỉ duy trì các vụ, cục có đối tượng quản lý chuyên ngành, bảo đảm đáp ứng các tiêu chí, điều kiện theo quy định của Chính phủ.
Các vụ, cục có nhiệm vụ liên thông, gắn kết thì đề nghị sắp xếp, kiện toàn các vụ, cục này thành 1 đầu mối. Hạn chế tối đa chuyển các vụ thành các cục, trừ trường hợp cần đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền xử lý theo chức năng quản lý nhà nước của bộ.