- Chính phủ đề xuất QH sửa lại điều 60 của luật BHXH vừa ban hành năm ngoái, theo đó cho người lao động khi chưa đủ thời gian đóng BHXH hưởng lương hưu thì được hưởng BHXH một lần như luật cũ từng quy định.
Báo cáo tại phiên họp QH sáng nay, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền cho hay, việc sửa điều 60 sẽ tạo "cơ chế linh hoạt" trong chính sách BHXH.
Bộ trưởng LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền |
Điều 60 của luật BHXH mới từng là nguồn cơn gây ra cuộc tụ tập phản đối của hàng chục nghìn công nhân công ty Pouyuen và một vài doanh nghiệp khác hồi cuối tháng 3, đầu tháng 4.
Các công nhân phản ứng với quy định không cho phép hưởng BHXH một lần đối với trường hợp chưa đủ điều kiện nghỉ hưu sau 1 năm không tiếp tục đóng bảo hiểm.
Sau sự việc trên, Chính phủ đã báo cáo báo cáo QH xem xét điều chỉnh điều 60 theo hướng: trước mắt, cho phép người khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu sau 1 năm nghỉ việc, nếu không tiếp tục đóng BHXH thì có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định của luật BHXH năm 2006.
Việc sửa đổi như trên sẽ tạo cơ chế linh hoạt trong chính sách BHXH, đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận người lao động không có điều kiện và khả năng tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu hàng tháng. Việc sửa đổi như trên sẽ tác động đến số người hưởng BHXH một lần, bà Chuyền nhấn mạnh.
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, việc thu hẹp điều kiện cho phép hưởng BHXH một lần tại điều 60 theo luật mới 2014 là phù hợp với xu hướng chung trên thế giới.
Tuy nhiên tại Việt Nam, theo số liệu thống kê, tính bình quân trong giai đoạn 2007-2014, có khoảng 80% người nhận BHXH một lần, chỉ khoảng 20% hưởng lương hưu hàng tháng.
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai |
Trên cơ sở nguyện vọng của một bộ phận người lao động chưa có việc làm ổn định, bền vững trước mắt nên tiếp tục cho phép người lao động nếu có nguyện vọng thì được nhận lại tiền BHXH một lần như trước đây. Trường hợp người lao động chưa muốn nhận BHXH một lần, có thể cộng dồn để hưởng lương hưu.
Bà Mai lưu ý, khi thực hiện chính sách cần xây dựng lộ trình nâng dần điều kiện hưởng BHXH một lần phù hợp với tỷ lệ lao động trong khu vực chính thức và sự phát triển của thị trường lao động, giảm dần số người không có lương hưu khi về già.
Con số thống kê cho hay, năm 2014, ngân sách phải chi hơn 3.000 tỷ đồng cho khoảng 1,5 triệu người 80 tuổi trở lên không có lương hưu.
Lâu dài vẫn phải theo kiểu mới
Trao đổi bên hành lang QH, Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động VN Đặng Ngọc Tùng tán thành việc Chính phủ đề xuất QH sửa điều 60 luật BHXH, cho đây là việc hoàn toàn phù hợp để cho người lao động có quyền chọn lựa. Ông nhắc lại thời điểm xây dựng luật năm 2014, Tổng liên đoàn đã đề nghị giữ nguyên điều 60 để cho người lao động có quyền lựa chọn.
"Nhưng đa số lại không chịu nên thông qua. Về lâu dài, điều 60 theo luật mới là phù hợp, có lợi cho người lao động vì lĩnh một lần là ít, không có lợi nên chúng tôi mới đồng tình. Nhưng thực tiễn có những người vì hoàn cảnh gia đình, không tiếp tục lao động nữa, cần một khoản tiền để mưu sinh, làm một nghề nghiệp khác. Do vậy chúng ta phải giải quyết nguyện vọng cho phù hợp" - ông nói.
Tuy nhiên, theo ông Tùng, số tiền hàng tháng người lao động và người sử dụng lao động đóng một năm khoảng 2,6 tháng lương, nhưng khi nhận một lần họ chỉ nhận được 2 tháng lương, thiệt thòi 0,6 tháng, 10 năm thì thiệt mất 6 tháng lương.
Ông cho rằng, cực chẳng đã người lao động mới nhận một lần còn đa số vẫn muốn nghỉ hưu nhận để ổn định. Nếu người lao động chọn nhận một lần rất thiệt thòi. Nên về lâu dài phải giải thích cho người lao động hiểu, thấy việc tiếp tục tham gia BHXH là có lợi.
Thúy Hạnh - Ảnh: Minh Thăng