Muôn kiểu giấy phép, quy định

Ngày 6/8, Công an tỉnh An Giang ra văn bản về quản lý phương tiện từ Trạm Kiểm soát Vàm Cống (TP. Long Xuyên) vào địa bàn tỉnh. Công an TP. Long Xuyên sẽ cấp giấy xác nhận cho lái xe và những người đi cùng đã được lấy mẫu test nhanh tại chốt kiểm soát Vàm Cống và cho đi ngay không đợi nhận kết quả test. 

Khi có giấy xác nhận này, các chốt kiểm soát trong nội địa tỉnh cho phương tiện được di chuyển qua, không cần yêu cầu phải chứng minh đã có kết quả âm tính. Trường hợp chốt kiểm soát dịch tại Vàm Cống phát hiện mẫu test nhanh dương tính, nhân viên y tế và công an TP. Long Xuyên sẽ thông báo đến người có kết quả dương tính biết và yêu cầu không tiếp xúc với ai.

Việc ban hành văn bản này vô hình chung biến Trạm Kiểm soát Vàm Cống thành nơi không chấp nhận kết quả xét nghiệm trước đó của các tài xế lưu thông qua đây. Chưa kể, chốt kiểm soát này còn ban hành “Phiếu xác nhận test nhanh” riêng và chỉ có hiệu lực trong vòng 24h kể từ khi lấy mẫu thay vì 72h như quy định của Bộ Y tế.

{keywords}
Mẫu giấy tại chốt kiểm soát Vàm Cống (TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang)

Trong khi đó, ngày 6/8, Đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) yêu cầu thuyền viên và người đi cùng trên phương tiện phải có Giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2 trong thời hạn 3 ngày kể từ khi có kết quả mới được lên phương tiện vận chuyển hàng hóa. Quy định này đang gây khó cho các sà lan gạo khi đến đóng hàng, có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu gạo.

Ngày 8/8, Sở GTVT tỉnh Tiền Giang cũng yêu cầu xe tải, xe cá nhân và người đi cùng vận chuyển hàng hoá, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất và chế biến nông sản phải có Giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 trong thời hạn 72 giờ kể từ thời điểm có kết quả.

Phương tiện cá nhân ngoài giấy xét nghiệm còn phải có thêm “Giấy xác nhận được UBND xã cấp” và chỉ được hoạt động trong địa bàn tỉnh.

Cần làm đúng theo chỉ đạo của Chính phủ

Ông Đồng Tiến Dũng, đại diện Công ty TNHH Tiếp vận Vận tải Trung Thành, thông tin, thời gian qua, việc vận chuyển hàng hóa vào KCN Long Giang (tỉnh Tiền Giang) gặp nhiều vấn đề trong khoảng thời gian từ 18h-6h sáng.

{keywords}
 Lưu thông hàng hóa gặp khó trước các văn bản, chỉ đạo ở mỗi địa phương

Cụ thể, xe được phép lưu thông, chở hàng cho doanh nghiệp FDI và phục vụ xuất khẩu, mặc dù có đầy đủ giấy tờ thông hành liên quan nhưng chốt kiểm soát tại đây vẫn không cho vào địa bàn tỉnh. Xe không vào được, chờ trên Quốc lộ 1A sẽ gây ùn ứ. Đồng thời, tăng nguy cơ trộm cắp, rút dầu ban đêm khi tài xế chờ đến 6h sáng. Tài xế không canh đồ thì mất mà canh đồ thì không được ngủ, dẫn đến tình trạng mệt mỏi. 

“Chỉ cần các địa phương làm đúng như Chính phủ chỉ đạo. Chứ giờ tôi thấy đang có tình trạng địa phận tỉnh nào tỉnh đó quản”, ông Dũng nói.

Bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (tỉnh Đồng Tháp) - mong muốn, nếu lực lượng tài xế đã tiêm ngừa, nên cân nhắc gỡ bỏ việc xét nghiệm nhanh tại các chốt kiểm soát hoặc giãn thời gian hiệu lực của xét nghiệm nhanh để giảm quá tải tại các điểm xét nghiệm và tài xế không bị kiệt sức vì xét nghiệm quá nhiều.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (tỉnh Cà Mau) - ông Lê Văn Quang - cho biết, tôm nguyên liệu ở tỉnh Bạc Liêu và Kiên Giang, giáp ranh tỉnh Cà Mau, không về Cà Mau được vì đi qua địa bàn tỉnh phải đổi xe mới và tài xế mới. Trong khi đó, Bạc Liêu và Kiên Giang rất ít nhà máy chế biến tôm.

{keywords}
Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các DN ngày 8/8 (Ảnh: VGP)

Ông Quang cho rằng, quy định của địa phương đang gây khó cho DN và người nuôi tôm. Nếu không vận chuyển được về Cà Mau thì người nuôi tôm thu hoạch không biết bán cho ai. Tôm nguyên liệu ở tỉnh nào tiêu thụ trong tỉnh đó, rất khó liên thông, làm phá vỡ chuỗi cung ứng.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, kiến nghị, TP.HCM cần cụ thể các quy định của TƯ và chỉ đạo quyết liệt các địa bàn, các chốt kiểm soát cần thực hiện nghiêm các thủ tục, yêu cầu về kiểm tra phòng, chống dịch nhằm tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu, gây khó DN.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các DN, các Hiệp hội DN và Bộ, ngành, địa phương ngày 8/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị các địa phương phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề lưu thông hàng hóa trên tinh thần hàng hóa nào cũng là thiết yếu, chỉ trừ hàng cấm, không đặt ra các điều kiện, yêu cầu khác biệt, gây ách tắc lưu thông. 

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu các địa phương cần thực hiện nghiêm, nhất quán các chỉ đạo của Chính phủ trong vấn đề bảo đảm lưu thông, di chuyển hàng hóa, tránh gây tình trạng ách tắc trong lưu thông hàng hóa từ địa phương này đến địa phương khác. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ GTVT xây dựng các giải pháp để hàng hóa sản xuất ra phải được lưu thông, vận chuyển trong nước và quốc tế. “Tinh thần chung là các chính sách Chính phủ đưa ra phải thực hiện nhất quán, nếu có vướng mắc trong thực tế thì các địa phương đề xuất điều chỉnh chứ không tự ý thực hiện, ban hành các giấy phép con”, Thủ tướng kết luận tại Hội nghị.

Quảng Định

Một chính sách hai quy định thực hiện, biết làm sao cho đúng

Một chính sách hai quy định thực hiện, biết làm sao cho đúng

Cùng một vấn đề, hai cơ quan thuế có hai kết luận trái chiều nhau do trích dẫn từ hai nguồn quy định khác nhau. DN lo lắng không biết thực hiện theo cách nào