9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2018

Ngày đầu tiên của năm mới 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Theo đó, trên cơ sở đánh giá những thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức của nước ta trong năm nay, để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển KTXH năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đề ra phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” và xác định trọng tâm chỉ đạo điều hành là: “Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Chú trọng các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội; thực hành dân chủ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước”.

Cũng tại Nghị quyết 01, căn cứ mục tiêu và các chỉ tiêu phát triển KTXH theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng hệ thống chỉ tiêu cụ thể phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, lĩnh vực công tác được giao.

Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, bao gồm: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; Tập trung thực hiện quyết liệt và đồng bộ 3 đột phá chiến lược; Tạo chuyển biến rõ nét và thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; Bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội; Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; Thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo…

Phát triển nhanh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên số

Trong đó, với nhóm nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, Chính phủ chỉ đạo thúc đẩy phát triển thị trường khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Đổi mới cơ chế hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Tiếp tục xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách để khuyến khích thực hiện các nhiệm vụ KH&CN gắn với doanh nghiệp và phát triển theo chuỗi giá trị các sản phẩm trọng điểm của quốc gia.

Cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý hướng dẫn thi hành Luật Chuyển giao công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, Chính phủ yêu cầu phải xây dựng, hoàn thiện và tổ chức triển khai đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến 2025, định hướng đến 2030”; Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia; tập trung hỗ trợ phát triển và khai thác tài sản trí tuệ; Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” nhằm tạo hệ sinh thái và dữ liệu lớn để phổ biến tri thức khoa học và thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo…

Đồng thời, chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tăng cường năng lực tiếp cận xu hướng công nghệ tiên tiến, hiện đại; chủ động nắm bắt, khai thác có hiệu quả các cơ hội to lớn của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) mang lại. Tập trung hoàn thiện cơ chế, thể chế, chính sách, pháp luật theo kịp kinh tế số, công nghiệp thông minh. Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó CNTT và hạ tầng thông tin đóng vai trò hạ tầng của hạ tầng. Phát triển nhanh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên số; phát triển doanh nghiệp số.

Tiếp tục xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp tham gia ứng dụng, nghiên cứu phát triển, chuyển giao các công nghệ chủ chốt. Xây dựng Chương trình trọng điểm cấp quốc gia về cuộc CMCN 4.0 để phục vụ các nhà khoa học, doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực của CMCN 4.0, làm cơ sở nhân rộng các kết quả ra khối doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, phát triển toàn diện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, thúc đẩy khởi nghiệp trong mọi ngành, mọi lĩnh vực; hỗ trợ, thu hút đầu tư vào hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ thành lập, phát triển và liên kết hoạt động các không gian làm việc chung, vườn ươm, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các tổ chức thúc đẩy kinh doanh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tập trung hợp tác theo chiều sâu với các đối tác quốc tế, kết nối cộng đồng KH&CN người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng trong nước để trao đổi, học tập kinh nghiệm triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chú trọng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo giải quyết các khó khăn, đặc biệt là trong tiếp cận nguồn vốn.

Nâng chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam theo đánh giá của Liên hợp quốc

Nghị quyết 01 của Chính phủ cũng nêu rõ, cùng với việc tiếp tục triển khai mạnh mẽ và toàn diện cải cách hành chính, quản lý chặt chẽ số lượng biên chế công chức, biên chế sự nghiệp, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân.

Cụ thể, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xử lý hồ sơ công việc trên mạng máy tính trong các cơ quan hành chính, trước hết là ở các bộ, UBND các tỉnh, TP. Thực hiện kết nối liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp. Tạo chuyển biến tích cực trong mối quan hệ giữa nhà nước với nhân dân thông qua việc thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông và các dịch vụ công trực tuyến; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Xử lý dứt điểm và công khai kết quả xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính. Tăng cường thực hiện công tác bảo đảm an toàn, có phương án ứng phó, khắc phục kịp thời các sự cố mất an toàn thông tin, an ninh mạng.

Chính phủ cũng chỉ đạo phải tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp trong việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử; phấn đấu nâng cao chỉ số đánh giá về Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc đối với cả 3 nhóm chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI), hạ tầng viễn thông (TII) và nguồn nhân lực (HCI); phối hợp với các cơ quan đánh giá của Liên hợp quốc để kịp thời cung cấp thông tin chính xác, cập nhật về tình hình xây dựng, triển khai Chính phủ điện tử tại các cơ quan nhà nước của Việt Nam…