Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2015 vừa được ban hành.
Theo Nghị quyết, một trong những kết quả của công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong năm 2015 là đã quan tâm chỉ đạo cải tiến phương thức, lề lối làm việc, nâng cao năng lực hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, tạo bước chuyển biến mới, đặc biệt là việc tăng cường ứng dụng CNTT, thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động công vụ, phục vụ nhân dân.
Về nhiệm vụ năm 2016, Chính phủ xác định sẽ tập trung chỉ đạo tiếp tục cải tiến phương thức, lề lối làm việc, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước gắn với đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả, kịp thời, công khai, minh bạch trong thực thi công vụ; đồng thời nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công theo tinh thần Nghị quyết 36a ngày 14/10/2015 của Chính phủ.
Chính phủ yêu cầu Văn phòng Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử để các Bộ, cơ quna, địa phương triển khai thực hiện.
Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành vào ngày 14/10/2015. Nghị quyết hướng tới mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hiệp quốc. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
Các chỉ tiêu chủ yếu được đặt ra tại Nghị quyết là trong ba năm 2015 - 2017 tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính.
Phấn đấu đến hết năm 2016 các bộ, ngành Trung ương có 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ (dịch vụ công trực tuyến mức độ 3).
Phấn đấu đến hết năm 2016, một số dịch vụ công phổ biến, liên quan nhiều tới người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4).
Cải cách toàn diện cả ba nhóm chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI), hạ tầng viễn thông (TII) và nguồn nhân lực (HCI); phấn đấu đến hết năm 2016, Việt Nam nằm trong Nhóm 4 và đến hết năm 2017 nằm trong Nhóm 3 các quốc gia đứng đầu ASEAN về chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI) và Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) của LHQ.
Trong phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2016 của ngành TT&TT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, khi trình Chính phủ Nghị quyết về Chính phủ điện tử, sở dĩ lấy con số 36a là muốn giữ lại số Nghị quyết của Bộ Chính trị - Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Qua đó cho thấy quá trình nhận thức về tầm quan trọng của ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử là quá trình lâu dài, trải qua nhiều năm cho đến nay.