Triển khai quy hoạch băng tần cho 5G là một trong những nhiệm vụ Chính phủ yêu cầu Bộ TT&TT tập trung trong thời gian tới (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet) |
Nghị quyết 150 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2018 được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 13/12/2018.
Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ TT&TT chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn đấu tranh với các hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Bộ KH&CN được yêu cầu phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, đoàn thể thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể tiếp thu, tiến tới làm chủ các công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đồng thời tập trung phát triển và khai thác tài sản trí tuệ.
Đối với Bộ TT&TT, cùng với nhiệm vụ triển khai quy hoạch băng tần cho 5G; thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý SIM điện thoại di động, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong sử dụng SIM trái pháp luật, tại Nghị quyết 150 phiên họp thường kỳ tháng 11/2018, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ này chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí thông tin trung thực khách quan, tạo cảm hứng cho phát triển, đổi mới, sáng tạo và thể hiện khát vọng dân tộc.
Cùng với đó, kiên quyết xử lý các trường hợp đưa tin sai sự thật; tăng cường kỷ luật phát ngôn, xử lý nghiệm các trường hợp lợi dụng quyền tự do ngôn luận, vi phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Liên quan đến kế hoạch triển khai công nghệ mạng 5G tại Việt Nam, trước đó, trong phát biểu tại tọa đàm chuyên đề “Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực viễn thông” được Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức ngày 14/11/2018, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: 5G là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng trên thế giới. Bộ trưởng cũng cho biết: “Bộ TT&TT chủ trương cấp tần số 5G để thử nghiệm từ năm 2019 và đến năm 2020, khi thế giới bắt đầu triển khai 5G thì Việt Nam sẽ là những nước đầu tiên triển khai 5G”.
Chủ trương nêu trên của Bộ TT&TT đã được ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Chính sách và kế hoạch của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) thông tin tới các đại biểu tham dự hội thảo Ngày Internet Việt Nam - Internet Day 2018 được Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) tổ chức ngày 5/12 vừa qua tại Hà Nội.
Dẫn số liệu thống kê của Qualcomm, ông Tuấn Anh cho hay, đến thời điểm hiện tại đã có 134 nhà khai thác viễn thông tại 62 nước trên thế giới đang triển khai thử nghiệm 5G hoặc có kế hoạch triển khai thử nghiệm 5G. Trong đó, chủ yếu vẫn thử nghiệm ở tiêu chuẩn 5G phiên bản Rel-15, một số đang thử nghiệm 5G ở phạm vi hẹp với phiên bản Rel-16.
“Với Việt Nam, Bộ TT&TT chủ trương cấp tần số để triển khai thử nghiệm công nghệ 5G trong năm 2019 và thương mại trong năm 2020. Thực hiện được mục tiêu này, Việt Nam sẽ là 1 trong những nước đầu tiên trên thế giới triển khai công nghệ 5G, cũng giống như Việt Nam từng là nước triển khai sớm 2G, chỉ 3 năm sau khi công nghệ 2G xuất hiện trên thế giới”, đại diện Cục Viễn thông nêu.
Để thực hiện kế hoạch triển khai 5G, đại diện Cục Viễn thông cũng cho biết, thời gian tới sẽ có nhiều nội dung công việc cần phải được triển khai như: Cải thiện các quy định và khung chính sách; Nâng cấp hạ tầng viễn thông, tăng cường bảo mật, chất lượng; Thúc đẩy đầu tư phát triển 5G; Thúc đẩy hệ sinh thái 5G; Nghiên cứu và lập kế hoạch phân bổ tần số cho 5G; Thúc đẩy đổi mới, thành lập quỹ khởi nghiệp, phòng thí nghiệm 4.0, bảo mật...
Trả lời báo chí bên lề sự kiện Ngày Internet Việt Nam 2018, ông Thiều Phương Nam - Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia đã phân tích rõ những hỗ trợ của 5G đối với việc phát triển nền kinh tế số Việt Nam: “Công nghệ 4G, 5G là nền tảng cực kỳ quan trọng cho thúc đẩy sự phát triển Internet tại Việt Nam, đặc biệt ở mảng di động. Riêng 5G sẽ mở ra nhiều cơ hội mới. Các dịch vụ 3G, 4G trước đây chủ yếu là cung cấp dịch vụ cho người dùng qua smartphone. Trong tương lai, con người sẽ sử dụng 5G vào kết nối vạn vật rất lớn. Dư báo rằng sau này sẽ có khoảng 35 tỷ thiết bị kết nối vào internet và sẽ phải chạy trên nền tảng 5G. Có thể khẳng định, 5G là một nền tảng thiết yếu cho sự phát triển của Internet Việt Nam và trên thế giới, là một nền tảng quan trọng để phát triển nền kinh tế số, hệ sinh thái số, công nghệ 4.0”.