Trong 13 năm qua, kể từ sự kiện đầu tiên tổ chức năm 2014, ChinaJoy đã trở thành một ngày lễ vui chơi giải trí, tôn vinh sự phát triển của ngành công nghiệp trò chơi tại Trung Quốc. Nhưng, ngược lại với những sự kiện trước đó khi dành hoàn toàn để nói về các trò chơi, hội nghị, sự kiện ChinaJoy năm nay sẽ có nhiều cải tiến và trở nên đa dạng hơn. Mặc dù các trò chơi vẫn là trọng tâm,các yếu tố giải trí kỹ thuật số bao gồm phim, truyền hình, video, hoạt hình và thậm chí cả văn học trực tuyến cũng sẽ được bổ sung. Trong lần tổ chức thứ 14 này, hai khu vực trưng bày sẽ được bổ sung thêm là "Internet Video and Music" và "In-Car Entertainment". Ban tổ chức đang muốn hướng tới một sự kiện mang tính văn hóa, giải trí cao hơn là chỉ tập trung vào các trò chơi điện tử.
ChinaJoy 2004 chỉ thu hút được 60.000 khán giả, 129 đơn vị tham gia và 145 trò chơi được mang tới giới thiệu. Còn năm ngoái, ChinaJoy 2015 đã có hơn 270.000 lượt khách, hơn 700 gian hàng triển lãm và 3.500 trò chơi được mang tới sự kiện. Những con số này hiển thị rõ sự phát triển của ngành công nghiệp game, các trò chơi video và game trên diện thoại di động.
Nhưng trên thực tế, sự kiện này không đơn giản chỉ là về game như vậy. Khác với các lễ hội khác như E3 tại Mỹ, Tokyo GameShow ở Nhật Bản, Gamescom tại Đức, ChinaJoy ngay từ đầu đã được định hình không chỉ là một sự kiện game, mà còn bao hàm khái niệm về giải trí và kỹ thuật số. Và ChinaJoy 2016 sẽ là điểm mốc quan trọng trong quá trình truy tìm lại "nguồn gốc" vốn có của lễ hội này, thứ được gọi là "pan-entertainment".
Nói đơn giản, nó là sự cộng sinh đa nền tảng trong lĩnh vực giải trí, trên cả internet và mobile, dựa trên các sản phẩm sở hữu trí tuệ. Và đi đầu trong lĩnh vực này, vẫn là gã khổng lồ Tencent. Các sản phẩm kỹ thuật số của Tencent là sự tích hợp của các yếu tố văn hóa như phim ảnh, tiểu thuyết, hoạt hình, trò chơi...
Trong năm 2012, Tencent nhúng tay vào lĩnh vực truyện tranh và hoạt hình. Năm 2013, hãng mở ra Tencent Literature, một nhà xuất bản chuyên kinh doanh ấn phẩm sách kỹ thuật số. Năm 2014, đó là Tencent Pictures, nơi sáng tạo ra hàng loạt series phim hoạt hình chất lượng cao. Game thủ có thể nhận ra rất nhiều trò chơi của hãng được phát triển dựa trên các bộ phim hay tiểu thuyết mạng nổi tiếng, hay như khi một sản phẩm game ra mắt cũng có một series phim hoạt hình ăn theo. Và tất cả những điều này, được "gã khổng lồ" khéo léo mang tới các sự kiện ChinaJoy nhiều năm trở lại đây.
Các công ty lớn khác như Shanda, 360, Baidu... cũng lần lượt mang tới những sự kết hợp này tới ChinaJoy, biến không gian sự kiện mang đậm màu sắc lễ hội văn hóa. Những sự hợp tác xuyên biên giới, mối quan hệ kết nối chặt chẽ giữa game, phim ảnh, văn học, truyện tranh hoạt hình... đã mang lại một hệ sinh thái bền vững và chứa đầy cơ hội kinh doanh. Sự phát triển của thị trường game di động trong vài năm trở lại đây cũng trở thành động lực tiếp tục thúc đẩy quá trình này bùng nổ mạnh mẽ.
Cốt lõi của vấn đề nằm ở hai chữ "IP" - Intellectual Property, tức sở hữu trí tuệ. Khi có trong tay quyền sở hữu trí tuệ, bạn có thể làm game, làm phim, vẽ truyện... một cách hoàn toàn thoải mái mà không sợ cạnh tranh không lành mạnh, cũng như thu lợi từ các sản phẩm muốn sao chép, sử dụng lại nội dung. Luật pháp cũng ngày càng bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ này. Theo báo cáo của DataEye, 41% các trò chơi di động trên thị trường năm 2015 là sản phẩm IP, được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trong các hội nghị tại ChinaJoy những năm gần đây, "IP" đã trở thành từ khóa có tần số xuất hiện cao nhất, thường xuyê được đề cập. Giám đốc điều hành Shanda Games cũng đã không dưới một lần khẳng định tầm quan trọng của các IP cao cấp trên thị trường trò chơi điện thoại di động.
Các trò chơi, cosplay, hoạt hình hay truyện tranh được trưng bày tại ChinaJoy giờ đây có sự kết nối, liên hệ chặt ché với nhau, cả trên sản phẩm truyền thống cũng như ấn phẩm kỹ thuật số. Với sự gia tăng nhanh chóng của các khái niệm về công nghệ VR, video game tương tác, các nội dung mới sẽ tiếp tục được khai thác và tận dụng, trên cơ sở "pan-entertainment".
ChinaJoy 2016 sẽ được tổ chức từ ngày 28-31/7 tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc.