Trung Quốc có thể dễ dàng giành quyền kiểm soát các ngư trường quanh bãi cạn Scarborough đang tranh chấp trên Biển Đông bằng việc sử dụng lực lượng vũ trang ngày càng hiện đại và mạnh mẽ của mình.
Các đơn vị hải quân, không quân và lực lượng đổ bộ kết hợp cùng nhau có khả năng đảm bảo thực thi các tuyên bố về quyền sở hữu đối với các đảo và kiểm soát hàng hải của Bắc Kinh tại khu vực phía bắc Biển Đông, nơi có bãi cạn Scarborough và chỉ cách đất liền Philippines 220km.
Quân đội Trung Quốc vượt trội so với quân đội Philippines. Tuy nhiên, Trung Quốc đã chủ định lựa chọn không triển khai lực lượng vũ trang thường trực để bảo đảm an ninh cho bãi cạn không người ở đó, ngay cả khi mâu thuẫn với Philippines đã kéo dài hơn hai tháng. Ngày 16/6, Manila rút hết hai tàu bảo vệ bờ biển còn lại khỏi khu vực Scarborough, với lý do bề ngoài là để tránh cơn bão sắp quét qua, mà không cho biết có đưa các tàu này trở lại đó sau khi thời tiết tạnh ráo hay không.
Có một số lý do giải thích cho việc Trung Quốc quyết định không sử dụng tàu chiến. Philippines là đồng minh của Mỹ và Trung Quốc không chắc chắn Mỹ sẽ không can thiệp nếu lực lượng vũ trang Trung Quốc trực tiếp tham gia vào đụng độ và tiếp quản cuộc chiến.
Trong mấy năm gần đây, những hành động ngày càng quyết liệt của Trung Quốc không chỉ trên Biển Đông, mà còn trong tranh chấp với Nhật Bản xung quanh các hòn đảo và biên giới biển ở biển Hoa Đông, đã báo động và khiến các nước láng giềng xa lánh. "Trung Quốc không hề muốn thấy những nước này và Mỹ chung tay chống lại Trung Quốc", ông Trần Hướng Dương, phó giám đốc Viện Nghiên cứu chính trị thế giới thuộc Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc, viết trên phiên bản trực tuyến tờ China Daily ngày 11/6.
Ảnh minh họa |
Điều này đã mở ra một vấn đề quản lý chính sách đối ngoại lớn của Trung Quốc khi nước này chuẩn bị cho cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo quan trọng của thập niên diễn ra vào cuối năm nay. Tại thời điểm nhạy cảm này, và khi nền kinh tế bắt đầu chậm lại, Trung Quốc cần một khu vực xung quanh ổn định. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Trung Quốc tìm kiếm vị trí đứng đầu cũng không thể chấp nhận bị cho là yếu kém trong việc giữ gìn sự thống nhất quốc gia.
Do đó Trung Quốc đã quyết định không vận dụng "sức mạnh cứng" vào Scarborough. Thay vào đó, nước này sử dụng sức mạnh bán quân sự mềm mỏng hơn, cùng với áp lực ngoại giao và kinh tế lên Philippines.
Việc triển khai tàu từ các tàu biển bán quân sự, một số được vũ trang nhẹ và số còn lại không vũ trang, có thể vẫn là công cụ được ưu tiên dùng trong việc mở rộng sự hiện diện và thực thi các tuyên bố chủ quyền rộng khắp và các dạng quyền tài phán khác với trên 80% Biển Đông, mở rộng ra tới khắp trung tâm hàng hải của Đông Nam Á.
Nhưng chính sách bán quân sự trên cũng có những rủi ro. Nó có thể dẫn tới xung đột vũ trang với các quốc gia Đông Nam Á cùng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, với việc các lực lượng thường trực Trung Quốc tham gia vào nếu như được yêu cầu tiếp viện. Các nhà phân tích Trung Quốc và nước ngoài đều cảnh báo về mối đe dọa này nếu các cơ quan thực thi luật pháp biển đang cạnh tranh nhau của Trung Quốc tiếp tục mở rộng nhanh mà không có sự kiểm soát chặt chẽ từ phía trung ương.
Tham dự cuộc đối thoại hàng hải liên chính phủ với Trung Quốc diễn ra ngày 15-16/5 tại Hàng Châu, Trung Quốc, các quan chức Nhật Bản nhận thấy có 5 cơ quan bán quân sự Trung Quốc tham gia: (1) Lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc, một cơ quan thuộc Bộ An ninh công cộng; (2) Cơ quan quản lý an toàn hàng hải của Bộ Giao thông; (3) Cơ quan Thực thi luật thủy sản (FLEC) của Bộ Nông nghiệp; (4) Cơ quan giám sát hàng hải Trung Quốc của Cục quản lý hải dương học nhà nước (CMS), một đơn vị thuộc Bộ Đất đai và Tài nguyên; và (5) Tổng cục Hải quan, một cơ quan ngang bộ.
Một nghiên cứu của Đại học Chiến tranh hải quân Mỹ xuất bản cách đây 2 năm có nói rằng 5 cơ quan này có khoảng 40.000 nhân sự, cao hơn hẳn con số khoảng 12.000 người dù được trang bị tốt hơn của Lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản.
Trên thực tế, nếu có 9 cơ quan hàng hải Trung Quốc gắn với các bộ và các cấp chính phủ khác nhau. Các cơ quan này đôi khi được nhắc đến với tên gọi "9 con rồng khuấy động biển" bởi sự tham gia ngày càng lớn của họ vào các vùng biển tranh chấp.
Tuy nhiên, 5 cơ quan đại diện trong cuộc đối thoại với Nhật Bản là những đơn vị lớn nhất và tích cực nhất trên biển, mà thể hiện rõ nhất trong những tháng gần đây ở cả khu vực tranh chấp trên bãi cạn Scarborough và biển Hoa Đông là hai đơn vị FLEC và CMS. Một quan chức CMS cấp cao tháng trước thông báo, đội tàu của CMS sẽ có trên 520 tàu vào năm 2020, tức là khoảng gần gấp đôi so với quy mô hiện nay, trong khi nhân sự sẽ tăng từ 9.000 hiện này lên 15.000 người.
Bốn năm trước, phó giám đốc CMS Sơn Thục Hiền nêu kiến nghị, lực lượng CMS sẽ phục vụ như một đơn vị hải quân thay thế. Ông nói trên tờ China Daily ngày 20/10/2008, CMS nên "được nâng cấp lên thành một đơn vị dự bị thuộc hải quân, một động thái sẽ giúp nó được vũ trang tốt hơn trong các cuộc tuần tra".
Tháng 3 vừa rồi, Thiếu tướng La Viện, Phó Tổng Thư ký Học hội Khoa học Quân sự Trung Quốc, kêu gọi thống nhất các cơ quan thực thi luật pháp biển chính thành một lực lượng cảnh sát biển quốc gia trực thuộc một bộ phụ trách về biển và hải dương để cải thiện hiệu quả và khả năng kiểm soát chính sách.
Trong bản báo cáo tháng 4, Tổ chức Khủng hoảng quốc tế cho biết, với việc cạnh tranh tăng cường sức mạnh và tỷ tệ ngân sách, 9 con rồng này đang khuấy động căng thẳng trên Biển Đông và khiến cho việc giải quyết càng khó đạt được hơn.
Đình Ngân theo japantimes
- Michael Richardson là cộng tác viên nghiên cứu cao cấp của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore.