VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố các bị can trong vụ án ''Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước; Rửa tiền" xảy ra tại Công ty CPĐT Trung Hậu 68, Sở TN&MT tỉnh An Giang và các đơn vị liên quan.

Liên quan đến vụ án, ông Lê Quang Bình (Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Trung Hậu 68) bị truy tố về 3 tội danh Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên và Rửa tiền.

Ông Lê Quang Bình là Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ, người đại diện pháp luật của Công ty Trung Hậu. Công ty này hoạt động trong lĩnh vực chủ yếu là xây dựng và khai thác khoáng sản. Công ty có 11 chi nhánh và Văn phòng đại diện tại các tỉnh, thành phố, trong đó Chi nhánh Công ty Trung Hậu tại An Giang là đơn vị hạch toán kế toán độc lập, do ông Lê Trọng Hải, Phó TGĐ làm giám đốc chi nhánh và là người đại diện theo pháp luật.

472710798_1767670240713817_8601355193594798234_n.jpg
Bị can Lê Quang Bình. Ảnh: Bộ Công an

Tháng 1/2021, UBND tỉnh An Giang cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản cho Công ty Trung Hậu được thăm dò khoáng sản tại mỏ cát xã Mỹ Hiệp, xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới.

Trong thời gian thực hiện khai thác cát tại mỏ, xét đề nghị của Công ty Trung Hậu, UBND tỉnh An Giang đã ra 7 quyết định điều chỉnh, bổ sung Giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp, qua đó điều chỉnh tổng trữ lượng cát Công ty Trung Hậu được phép khai thác là 1.531.200 m3 và số lượng cát khai thác chỉ được phép cung cấp cho 4 công trình dự án mà tỉnh chỉ định.

Nhưng từ tháng 12/2021-7/2023, ông Lê Quang Bình đã chỉ đạo các Phó TGĐ và giám đốc điều hành Công ty Trung Hậu tổ chức khai thác tổng số 5.018.996 m3 cát. Trong đó khối lượng cát khai thác để bán trái quy định pháp luật là 3.710.751 m3, thu về hơn 293 tỷ đồng.

Để hợp thức nguồn gốc cát do Công ty Trung Hậu khai thác bán trái phép, ông Lê Quang Bình đã mua Công ty CP MêKông Tháp Mười, giao ông Lê Trọng Hải làm giám đốc, Trần Anh Tuấn làm PGĐ, sử dụng pháp nhân này ký hợp đồng bán cát, xuất hóa đơn VAT cho khách hàng có nhu cầu, mua bán hóa đơn giá trị gia tăng để hợp pháp hóa nguồn gốc cát khai thác trái phép.

Ngoài ra, nhằm che giấu nguồn tiền thu lợi bất chính từ hoạt động khai thác cát trái phép, ông Lê Quang Bình đã chỉ đạo người khác nhận tiền bán cát khai thác trái phép bằng tiền mặt hoặc mượn tài khoản ngân hàng của các cá nhân ngoài Công ty Trung Hậu để nhận tiền bán cát.

Sau đó tiền này được chuyển khoản lòng vòng qua nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau theo yêu cầu của Chủ tịch Công ty Trung Hậu hoặc rút tiền mặt đưa cho ông Lê Quang Bình để ông này giao cho người thân sử dụng mua bất động sản, ô tô và chi tiêu cá nhân.

Theo VKSND Tối cao, ông Lê Quang Bình giao cho cháu và anh trai đứng tên ký hợp đồng đặt cọc mua 6 bất động sản trị giá gần 38 tỷ đồng; chỉ đạo 2 người khác thanh toán mua 8 ô tô các loại và nhờ người đứng tên trên giấy chứng nhận đăng ký với số tiền thanh toán là hơn 9,1 tỷ đồng.

Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã kê biên 40 bất động sản; 21 ô tô các loại; phong tỏa 6 tài khoản của các bị can để bảo đảm thi hành án. Ngoài ra, vật chứng là 46 phương tiện, 19.467,53m3 cát được thu giữ trên 39 phương tiện. CQĐT đang tạm giữ hơn 50 tỷ đồng và 70.000USD do gia đình các bị can tự nguyện nộp để khắc phục hậu quả.

Quá trình chỉ đạo thực hiện việc cấp giấy phép cho Công ty Trung Hậu được thăm dò, khai thác khoáng sản và tổ chức khai thác cát, nhiều bị can với chức vụ, quyền hạn khác nhau đã thực hiện các hành vi trái pháp luật vì những lợi ích vật chất hoặc động cơ vụ lợi khác, gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.